Hài lòng thị trường khó tính Nhật Bản
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện thị trường Nhật Bản chiếm khoảng 5% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, với kim ngạch khoảng 150 triệu USD. Năm 2022, Nhật Bản nhập khẩu 165 triệu USD, chiếm 4% thị phần rau quả. Theo ông Nguyên, tiêu chuẩn nhập khẩu rau quả của Nhật Bản rất cao.
Đối với hàng nông, lâm, thủy sản phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, và đòi hỏi phải được sản xuất, nuôi trồng theo các tiêu chuẩn GAP, HACCP hay JAS – Tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật nên kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả sang Nhật còn thấp. Hiện, một số loại hoa quả Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường Nhật như thanh long, xoài, sầu riêng, dừa, vải thiều, nhãn, chuối, trong đó, thanh long và chuối đang được người tiêu dùng ưu chuộng, kim ngạch cũng tăng khá hơn. Doanh nghiệp (DN) rau quả đã bắt đầu làm quen với thị trường Nhật Bản.
Chuối Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Nhật Bản. |
Trao đổi với PV Báo CAND chiều 22/9, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) ở Bình Dương cho biết, hiện mỗi tuần, DN này XK 10 container chuối, 1 container dưa lưới sang Nhật Bản. Chuối là sản phẩm thị trường thế giới ưa chuộng số 1, nhất là tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo ông Liêm, nhu cầu tiêu thụ chuối trên thị trường thế giới ngày càng tăng, nếu DN làm tốt thị trường, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, đầu tư cho sản xuất theo tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nhập thì chắc chắn chuối Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh và bán được cho nhiều thị trường khác nhau, cơ hội cho XK chuối là rất lớn.
Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, hiện tại, nhiều hệ thống tiêu thụ tại Nhật Bản mong muốn nhập khẩu chuối từ Việt Nam thay thế chuối Philippines bởi người tiêu dùng Nhật Bản cho rằng, chuối Việt Nam thơm ngon. Trong 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu chuối của Nhật Bản từ Việt Nam đạt 7,9 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ Yên (tương đương 7,1 triệu USD), tăng 62% về lượng và tăng 80,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu chuối từ Việt Nam chỉ chiếm 1,3% tổng lượng chuối nhập khẩu của Nhật Bản. Do đó, vẫn còn rất nhiều dư địa để các DN XK chuối mở rộng thị phần tại Nhật Bản.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2023 là năm quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, mối quan hệ hợp tác kinh tế của Việt Nam với Nhật Bản đang có nhiều tiềm năng phát triển hơn bao giờ hết. Do đó, hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa nhằm hỗ trợ DN hai nước tận dụng tốt các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do. Hiện nay Nhật Bản đang là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam XK sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác XK lớn thứ 3 và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc).
Nâng cao chất lượng hàng hóa
Ông Trần Quang Huy, Vụ Trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thương mại do hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nền kinh tế có độ mở cao, đang duy trì tốc độ phát triển nhanh, có nguồn nhân lực trẻ hết sức dồi dào, có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp.
Để khai thác tốt thị trường Nhật Bản, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ DN xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistic để bảo quản và vận chuyển các mặt hàng nông sản XK. Hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ DN trong việc tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại sang nước ngoài tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế theo các chuyên ngành.
Cùng với đó, DN cũng cần đảm bảo chất lượng sản phẩm; đảm bảo sự ổn định về giá bán và sản lượng cung ứng vì thị trường Nhật có tiêu chuẩn cao, khó vào nhưng nếu đã vào được thì sẽ ổn định và lâu dài. Đặc biệt, Thương vụ lưu ý, các DN XK của Việt Nam khi kinh doanh với đối tác Nhật Bản không nên chỉ dừng ở việc “mua đứt – bán đoạn”, mà còn nên tiếp tục theo dõi, kiểm soát xem sản phẩm của mình được thị trường đón nhận như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, nhằm tránh những rủi ro không đáng có (ví dụ như sản phẩm thực phẩm Việt gần hết hạn sử dụng nhưng vẫn được nhà nhập khẩu bán tại thị trường Nhật.., gây ra ấn tượng không tốt với người tiêu dùng…), từ đó đảm bảo được uy tín thương hiệu sản phẩm của mình.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh khai thác thế mạnh bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước, duy trì Nhật Bản là đối tác hàng đầu của Việt Nam về ODA, đầu tư, thương mại….
Tiếp tục vận động Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới giúp phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế. Tranh thủ cơ hội DN Nhật Bản quan tâm, coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong quá trình dịch chuyển sản xuất, đa dạng hóa chuỗi cung ứng để thúc đẩy làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, tập trung thu hút đầu tư chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của DN Nhật Bản. Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi xanh…