Nếu bạn muốn đổi số điện thoại trên ứng dụng VNeID nhưng không biết làm thế nào? hãy tham khảo bài viết dưới đây để được hướng dẫn chi tiết.
Cách đổi số điện thoại trên VNeID
Trong quá trình sử dụng VNeID, công dân muốn thay đổi số điện thoại đã đăng ký gắn với tài khoản định danh cá nhân do dùng số điện thoại của người thân, số điện thoại không chính chủ hoặc số điện thoại bị người khác sử dụng đăng ký định danh…
Nếu công dân muốn đổi số điện thoại trên VNeID thì có thể thực hiện bằng một trong 02 cách sau:
– Cách 1: Đến Công an xã để đăng ký đổi số điện thoại. Sau đó, Công an xã sẽ lập danh sách gửi ra Bộ Công an để thay đổi.
– Cách 1: Gọi điện thoại đến thoại đường dây nóng của Bộ Công an chuyên giải đáp, hỗ trợ thông tin về dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử 19000368. Sau đó, ấn phím 4 để liên lạc với nhân viên tổng đài.
Nhân viên tổng đài sẽ kiểm tra thông tài khoản định danh điện tử của công dân, xác minh các thông tin về lý lịch, nơi cư trú… có đúng như trên dữ liệu hay không? Sau đó, công dân cung cấp số điện thoại mới để thay đổi cho số điện thoại cũ. Cuối cùng, Bộ Công an sẽ nhắn tin đến số điện thoại đăng ký mới. Khi đó công dân vào kích hoạt lại tài khoản định danh điện tử với số điện thoại mới.
Quá trình yêu cầu thay đổi số điện thoại trên VNeID qua tổng đài của Bộ Công an rất nhanh chóng, chỉ mất khoảng 05 phút. Tuy nhiên, do có nhiều cuộc gọi đến cùng lúc nên số tổng đài của Bộ Công an thường gặp tình trạng quá tải.
Thời gian hoàn thành đổi số điện thoại trên khoảng 07 – 10 ngày. Bộ Công an sẽ nhắn tin đến số điện thoại đăng ký mới. Khi đó công dân vào kích hoạt lại tài khoản định danh với số điện thoại mới.
Lưu ý khi thay đổi số điện thoại trên VNeID: – Khi nhập số điện thoại mới, phải đảm bảo rằng đó là số điện thoại đang hoạt động và thuộc quyền sở hữu chính chủ. – Công dân chỉ có thể thay đổi thông tin số điện thoại một lần trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của ứng dụng. |
Bị mất điện thoại thì đăng nhập VNeID thế nào?
Khi đăng nhập tài khoản VNeID cá nhân trên thiết bị mới, công dân phải sử dụng mã kích hoạt được gửi qua ứng dụng VNeID trên thiết bị cũ. Điều này là để bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân khỏi nguy cơ bị tiết lộ hoặc lạm dụng.
Nếu công dân bị mất điện thoại hoặc bán điện thoại cũ mà không thực hiện quy trình đăng nhập VNeID trên thiết bị mới trước đó, mã đăng nhập sẽ vẫn gửi về số điện thoại cũ. Khi đăng nhập được vào tài khoản định danh điện tử trên thiết bị mới, một số dòng điện thoại sẽ không cho phép đăng nhập nếu không có mã gửi về số điện thoại cũ.
Hướng dẫn cách đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2
2.1. Cách đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 với công dân Việt Nam
– Đối với công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử:
Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử. Công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
– Cơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân với trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
(Khoản 2 Điều 14 Nghị định 59/2022/NĐ-CP)
2.2. Cách đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 với người nước ngoài
– Người nước ngoài đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử, xuất trình Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, cung cấp thông tin địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.
– Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin người nước ngoài cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của người nước ngoài đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.
– Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh gửi yêu cầu cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.
– Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
(Khoản 2 Điều 15 Nghị định 59/2022/NĐ-CP)