Theo Neowin, dữ liệu tiết lộ số lượng thương hiệu smartphone đang hoạt động đã giảm mạnh từ hơn 700 trong năm 2017 xuống còn khoảng 250 ở thời điểm hiện tại. Sự sụt giảm này tương đương gần 500 thương hiệu đã rời khỏi hoạt động kinh doanh, bao gồm các thương hiệu phổ biến như Microsoft Lumia, BlackBerry và LG.
Hầu hết các thương hiệu bị đóng cửa đều đến từ các nhà sản xuất địa phương tại các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi và Nhật Bản. Các thương hiệu nổi tiếng không còn bán bao gồm Micromax, Intex, Karbonn từ Ấn Độ, cũng như Meizu, Coolpad và Gionee từ Trung Quốc.
Thị trường smartphone toàn cầu đã trải qua những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, góp phần dẫn đến sự suy giảm của một số thương hiệu nhỏ hơn. Ghi nhận từ Counterpoint cho thấy, các yếu tố như chu kỳ thay thế dài hơn, thị trường tân trang ngày càng phát triển, các vấn đề về chuỗi cung ứng và thay đổi công nghệ đã đặt ra những thách thức lớn cho các công ty smartphone.
Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những công ty smartphone nhỏ hơn với nguồn lực hạn chế và khả năng mở rộng quy mô nhỏ hơn so với các nhà sản xuất lớn nhất. Mặc dù các thương hiệu như LG và Kyocera có sự hiện diện ở một số thị trường nhưng cuối cùng họ vẫn phải vật lộn để cạnh tranh trước những khó khăn của ngành.
Điều đáng chú ý là Microsoft không rút lui khỏi thị trường smartphone. Mặc dù dòng Lumia đã bị khai tử nhưng công ty vẫn có những thiết bị như Surface Duo. Ngược lại, các thương hiệu lớn hơn như Samsung và Apple được trang bị tốt hơn để vượt qua cơn bão nhờ những lợi thế như khả năng sản xuất lớn và danh mục sản phẩm rộng hơn.
Counterpoint cũng lưu ý một số thương hiệu tập trung vào các phân khúc cao cấp hoặc các trường hợp sử dụng cụ thể vẫn có thể tồn tại. Điều này bao gồm các thương hiệu như Fairphone tập trung vào sự bền vững hay Doro và Sonim tập trung người cao tuổi.