Hành động sớm dựa vào cảnh báo là một phương pháp tiếp cận có những yếu tố mới trong quản lý rủi ro thiên tai nhằm giảm thiểu các tác động của thiên tai đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thông qua việc tiếp cận với các nguồn lực tài chính cho hành động sớm.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, xã Thanh, huyện Hướng Hóa là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai nặng nề nhất. Mỗi khi mưa lớn, xã Thanh bị chia cắt vì ngập lụt khiến việc di chuyển, làm ăn và đến trường của người dân nơi đây bị ngưng trệ. Đồng thời, cơ sở vật chất bị hư hại gây khó tiếp cận với nguồn lương thực cũng khiến cho cuộc sống của người dân đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.
Với mong muốn giúp người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nâng cao khả năng phòng ngừa lũ lụt, chủ động chuẩn bị trước thiên tai sắp đến, đồng thời giảm bớt gánh nặng phục hồi sau lũ lụt trong tương lai. Tháng 11/2022, 130 hộ gia đình nằm trong khu vực ngập lụt nặng và dễ bị tổn thương ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã được trang bị kiến thức, cấp phát tiền mặt, hàng hóa nhằm chuẩn bị phòng tránh, ứng phó với lũ lụt. Mỗi hộ gia đình nhận được 1 bình chứa nước và thực phẩm; khoản tiền mặt trị giá 3,4 triệu đồng, 4,3 triệu đồng hoặc 5,3 triệu đồng/hộ tùy theo số nhân khẩu trong hộ để mua sắm lương thực, thực phẩm và dụng cụ chằng chống nhà cửa.
Trao tặng thùng đựng lương thực, chứa nước cho các hộ dân ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Plan International Vietnam)
Hoạt động này thuộc khuôn khổ dự án “Hành động sớm dựa trên cảnh báo – FbEA SEA”, nhằm hỗ trợ những người thuộc những nhóm dễ bị tổn thương thuộc tỉnh Quảng Trị, tỉnh Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao kỹ năng điều hành và ứng phó với các rủi ro do do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt theo khung hoạt động của cơ chế hành động sớm dựa trên cảnh báo.
Nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã chỉ ra rằng mỗi 1 đô la dành cho việc thực hiện hành động sớm dựa trên cảnh báo nhằm phòng ngừa các thiên tai như lũ lụt sẽ giúp tiết kiệm tới 7 đô la chi phí khắc phục thiệt hại do chúng gây ra. Theo đó, những nỗ lực để cứu trợ và phục hồi cuộc sống hậu thiên tai thường tốn kém chi phí cũng như đòi hỏi nhiều nỗ lực kịp thời. Thay vì giải ngân sau khi thiên tai diễn ra, cơ chế hành động sớm ưu tiên giải ngân sớm cho hộ gia đình và cộng đồng dễ bị tổn thương dựa trên trên ngưỡng kích hoạt cảnh báo do các nhà khoa học đưa ra. Việc sử dụng các nguồn lực hỗ trợ nhân đạo khi đó sẽ hiệu quả hơn nhiều cũng như cùng lúc nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai.
Hành động sớm dựa vào cảnh báo là một phương pháp tiếp cận có những yếu tố mới trong quản lý rủi ro thiên tai nhằm giảm thiểu các tác động của thiên tai đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thông qua việc tiếp cận với các nguồn lực tài chính cho hành động sớm. Hiện tại, trên thế giới đã có 53 quốc gia đã triển khai các chương trình hành động sớm dựa trên cảnh báo.
Hệ thống cảnh báo sớm bao gồm các kế hoạch ứng phó đã được thống nhất giữa chính quyền, cộng đồng và người dân, để giảm thiểu các tác động dự kiến. Một hệ thống cảnh báo sớm toàn diện cũng phải bao gồm các bài học kinh nghiệm từ các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, để liên tục cải thiện các biện pháp ứng phó trước các hiểm họa liên quan tới thời tiết, khí hậu, thủy văn và môi trường trong tương lai.
Hình ảnh tại khóa tập huấn về hành động sớm phòng ngừa rủi ro thiên tai lũ lụt cho các thành viên nòng cốt của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Trị và huyện Hướng Hóa. (Ảnh: CARE International in Vietnam)
Dự án “Hành động sớm dựa trên cảnh báo – Khu vực Đông Nam Á” được thực hiện từ tháng 7/2011 tới tháng 3/2023 tại 4 xã thuộc hai huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận và 3 phường ở TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ cho hơn 6.500 người nâng cao kỹ năng điều hành và ứng phó với các rủi ro do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lụt lội, hạn hán và nắng nóng theo khung hoạt động của cơ chế hành động sớm dựa trên cảnh báo.
Qua 21 tháng thực hiện các hoạt động thực địa, dự án đã hỗ trợ 536 hộ gia đình tiền mặt cũng như các phương tiện để triển khai các hoạt động chuẩn bị, phòng tránh rủi ro thiên tai.
Bên cạnh đó, bốn ban chỉ huy phòng tránh thiên tai và phòng tránh cứu nạn và đội xung kích tại bốn xã thụ hưởng dự án đã được hỗ trợ phương tiện để triển khai các hoạt động ứng phó, cứu hộ thực tế tại hiện trường. Bộ quy chuẩn hoạt động kích hoạt hành động phòng tránh rủi ro thiên tai dựa vào cảnh báo của dự án cũng được biên soạn, hoàn thiện, đưa vào thực tế triển khai tại địa bàn và đang được thảo luận thống nhất cùng với tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).
Ngọc Châu