Trong bối cảnh cạn kiệt các nguồn tài nguyên biển do khai thác quá mức, tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Hiệp định về biển cả là văn kiện đầu tiên điều chỉnh toàn diện việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen biển ở các vùng biển quốc tế.
Tăng cường hợp tác, chia sẻ lợi ích từ nguồn gene biển
Trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 diễn ra tại New York (Mỹ), ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán (Hiệp định về biển cả).
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định trong khuôn khổ chuyến làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc. Điều này truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Theo thống kê, nguồn gene biển là một nguồn lợi mới đầy tiềm năng, thuộc các vùng biển rộng lớn chiếm hơn 60% diện tích bề mặt của các đại dương mà không thuộc về quốc gia nào. Nhiều vùng ở đáy đại dương có hệ sinh thái đặc biệt giàu có, với nhiều loại gene quý hiếm, có giá trị cao cho nghiên cứu khoa học và tiềm năng kinh tế lớn, nhất là có thể tạo ra thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo, sản xuất dược mỹ phẩm…
Thời gian qua, hầu như chỉ có các nước phát triển và công ty tư nhân sở hữu công nghệ biển và công nghệ sinh học hàng đầu, với nguồn tài chính dồi dào mới có khả năng thu thập nguồn gene biển khơi và phát triển ứng dụng đem lại lợi nhuận, trong khi chưa có văn kiện quốc tế nào quy định nghĩa vụ chia sẻ lợi ích cũng như bảo tồn nguồn lợi này. Hiệp định này là văn kiện đầu tiên điều chỉnh toàn diện việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen biển ở các vùng biển quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hiệp định mở ra cơ hội cho Việt Nam và các nước đang phát triển khác được tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển, và được hưởng lợi về mặt kinh tế từ việc các quốc gia khác có lợi thế lớn hơn về tiềm lực tài chính, khoa học-công nghệ khai thác nguồn gene ở vùng biển khơi và chia sẻ lại lợi ích với chúng ta.
“Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định “Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao”… là một trong những khâu đột phá, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Ông cũng nhận định, Hiệp định tạo ra và khuyến khích những cơ chế hợp tác quốc tế, hợp tác biển khu vực nhằm mục tiêu bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ nguồn gen biển. Đó là những cơ hội để Việt Nam có thể thúc đẩy hợp tác, tăng cường đan xen lợi ích, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Việt Nam tham gia tiến trình đàm phán ngay từ đầu, và có những đóng góp thực chất trong các nội dung liên quan đến xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ, thành lập các khu bảo tồn biển. Điều này góp phần thực hiện tầm nhìn của Chiến lược biển Việt Nam về “tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương”, thực hiện chủ trương phấn đấu đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước”, nêu tại Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.
Việt Nam làm gì để đón đầu cơ hội?
Sau khi ký Hiệp định về biển cả, các quốc gia cần thực hiện thủ tục phê chuẩn, phê duyệt để chính thức trở thành thành viên của Hiệp định. Hiệp định sẽ có hiệu lực 120 ngày sau khi có 60 nước thành viên.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng trong thời gian này Việt Nam cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị, cho toàn xã hội để tìm được sự đồng thuận cao nhất về vấn đề này. Cũng cần duy trì “nhiệt huyết” và kinh nghiệm từ quá trình đàm phán để thực sự biến cam kết quốc tế thành hành động ở cấp quốc gia, “hứa là làm” để nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trong thế giới đại dương toàn cầu, xứng đáng là một quốc gia biển.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành và tổ chức, địa phương liên quan phải chuẩn bị các phương án (kịch bản) để tích cực và chủ động tham gia bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia trong Biển Đông và ngoài biển cả.
Ông Hồi cũng khuyến nghị Việt Nam cần đánh giá đúng tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14. Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về Công nghệ đại dương cũng như có thể phát triển nghề cá viễn dương với đội hình ra biển có tổ chức, đủ mạnh và hiện đại.
Cần ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước loại bỏ khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) hướng tới phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm. Cần chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ về quản trị biển, về khoa học – công nghệ biển có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết, tư vấn các vấn đề quy định trong Hiệp ước Biển cả. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn áp dụng các biện pháp “mạnh” để chuyển từ nghề cá nhỏ, truyền thống sang nghề cá thương mại theo hướng công nghiệp hoá, hiện đạo hoá, có khả năng hội nhập quốc tế cao.