Trong 3 ngày, từ 25 đến 27-9 (tức 11 đến 13 tháng 8 âm lịch), các đơn vị nghệ thuật trên cả nước đều tổ chức long trọng “Ngày Sân khấu Việt Nam” (ngày Giỗ Tổ sân khấu)
Diễn viên Hà Linh và NSƯT Trịnh Kim Chi trong vở kịch sử Việt “Thái hậu Dương Vân Nga”
NSƯT Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, xúc động cho biết nếu không có sự dìu dắt của NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, thì cô đã không có hướng đi ngày hôm nay.
“Từ khi còn là diễn viên của Nhà hát Kịch TP HCM, thầy Giàu lúc đó là trưởng đoàn đã dạy cho tôi nhiều bài học quý. Một trong số đó là sự nghiêm khắc trên sàn tập, gieo vào tôi một ý thức lao động nghệ thuật nghiêm túc. Vì như vậy mới có thể có được những giây phút thăng hoa trên sàn diễn. Từ những bài học này, hiện nay tôi tiếp tục truyền đến các thế hệ học trò” – NSƯT Trịnh Kim Chi bày tỏ.
Không chỉ là giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, NSƯT Trịnh Kim Chi còn phụ trách Trung tâm Bồi dưỡng Nghệ thuật của hội và Ban Ái hữu Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP HCM, góp phần tích cực trong công tác chăm lo cho đời sống nghệ sĩ lão thành tại Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP và các đơn vị sân khấu xã hội hóa trên địa bàn TP HCM. Và cũng từ sự định hướng của thầy Trần Ngọc Giàu, NSƯT Trịnh Kim Chi đã tham gia khóa cao học Nghệ thuật Sân khấu – Truyền hình tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, với mong muốn tiếp nối con đường giảng dạy của thầy, đồng thời thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nghiên cứu chuyên sâu ngành nghề mà cô theo đuổi.
Tương tự, đạo diễn – NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Nhà trường Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, nói về người thầy đáng kính – NSƯT Lê Chức: “Thầy luôn cho tôi những kiến thức mới, luôn dạy tôi phải tôn trọng đạo nghề và đạo làm người trong cuộc đời làm nghệ sĩ”. Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết thêm: “Tôi học được ở thầy Lê Chức sự thấu đáo, sâu sắc, cẩn thận trong cách nghĩ cách làm và tính chuyên nghiệp trong công việc”.
Còn với nghệ sĩ Võ Minh Lâm, anh có nhiều người thầy nhưng trong tim luôn dành cho soạn giả Hoàng Song Việt sự yêu thương. Bởi, trong hành trình làm nghệ thuật, nghệ sĩ Võ Minh Lâm đã đoạt nhiều giải thưởng sân khấu, 6 lần đoạt Giải Mai Vàng, trong số này có 2 vở diễn gây tiếng vang là do soạn giả Hoàng Song Việt “đo ni đóng giày” cho anh, đó là vở “Đứa con họ Triệu” và “Đời như ý”. “Mỗi lần đoạt giải thưởng là tôi khoe với thầy, rồi hai thầy trò cùng khóc vì hạnh phúc” – nghệ sĩ Võ Minh Lâm bày tỏ.
NSƯT Kim Tử Long cũng là một hậu duệ xuất sắc tiếp nối NSND Minh Vương, qua các vai diễn nhân vật sử Việt, đáng chú ý nhất là vai Nguyễn Trãi trong vở “Rạng ngọc Côn Sơn”. “Nghệ sĩ Minh Vương đã truyền cho tôi tinh thần sáng tạo trong diễn xuất. Mỗi khi gặp vai diễn khó, lúng túng cách xử lý trong bài ca là tôi tìm đến thầy Minh Vương để lĩnh giáo. Những gì học được từ thầy Minh Vương, tôi tiếp tục truyền lại cho đàn em, minh chứng là các thế hệ bây giờ cũng là những nghệ sĩ đầy nội lực như Lê Hậu, Bình Tinh…” – NSƯT Kim Tử Long bộc bạch.
Các nghệ sĩ TP HCM tiếp nối thế hệ đi trước làm tốt trọng trách người nghệ sĩ công dân. Trong ảnh: NSƯT Hữu Châu, Thành Lộc và NSND Kim Cương trao học bổng NSND Bảy Nam cho con em nghệ sĩ nghèo hiếu học
NSƯT Lê Tứ tiết lộ anh luôn nhớ ơn những người đã dìu dắt mình đến với sàn diễn cải lương, trong số đó có NSƯT – đạo diễn Ca Lê Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật Sân khấu II, nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). Theo NSƯT Lê Tứ, để thể hiện lòng tri ân những người thầy tiền bối, bản thân anh luôn suy nghĩ sáng tạo không ngừng để có những vai diễn hay, chất lượng cao cho khán giả. Ngoài ra, anh cũng tích cực tham gia các chương trình “Sân khấu học đường” nhằm phổ cập sâu rộng hơn nữa cải lương Việt đến với thế hệ trẻ, song song đó là nỗ lực đưa sân khấu cải lương gắn với ngành du lịch.
Soạn giả Hoàng Song Việt nhìn nhận văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng là tấm gương phản chiếu của hiện thực đời sống. “Những điều tôi gửi gắm vào kịch bản chính là những lời căn dặn đối với diễn viên trẻ. Ngày nay xã hội phát triển, diễn viên tiếp cận công chúng dễ dàng nhưng đó là “con dao hai lưỡi”, đôi khi vì bồng bột, nông nổi mà phát ngôn thiếu thận trọng như vậy sẽ gây tác hại khôn lường. Nên tôi mong các nghệ sĩ trẻ luôn có được thái độ làm nghề nghiêm túc, tử tế” – soạn giả Hoàng Song Việt tâm huyết.
Đạo diễn – NSƯT Ca Lê Hồng tâm sự: “Người nghệ sĩ được đào tạo bài bản thôi chưa đủ mà phải luôn ý thức nâng mình lên trong những vai diễn, nhằm tạo ra những hình tượng nhân vật điển hình trong lao động và chiến đấu bảo vệ, xây dựng đất nước. Tôi mong mỏi và kỳ vọng các thế hệ diễn viên trẻ hãy cùng chung tay góp phần tạo nên những mỹ cảm mới ở khán giả, giúp người xem trân trọng những giá trị đạo đức xã hội”.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, tâm sự: “Tôi mong các diễn viên trẻ đang làm nghề, trong ngày Giỗ Tổ sân khấu hãy gửi lời tri ân đến khán giả, vì họ đã dành nhiều sự cổ vũ cho tác phẩm, vai diễn của mình. Song không phải chỉ có ngày Giỗ Tổ sân khấu mới gửi lời tri ân, mà các diễn viên nói chung, diễn viên trẻ nói riêng phải luôn bày tỏ lòng biết ơn đến những khán giả ân nhân, vì họ vẫn trung thành với tình yêu dành cho sàn diễn. Họ đến xem, cổ vũ, khen chê, họ chính là những người thầy sành điệu, nhận xét công tâm nhất cho từng sản phẩm sân khấu. Vì vậy, đã là diễn viên sân khấu thì phải biết nâng niu, tri ân “những người thầy sành điệu” – khán giả”.
Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng “Ngày Sân khấu Việt Nam” tại Nhà hát TP lúc 17 giờ ngày 25-9. Nhân dịp này, Sở Văn hóa – Thể thao TP sẽ tặng quà tri ân cho hơn 70 nghệ sĩ lão thành đã có nhiều công lao đóng góp cho sân khấu TP HCM.
(Còn tiếp)