Trên bục trao giải, bốn cô gái Việt Nam gồm Đinh Thị Hảo, Dư Thị Bông, Hà Thị Vui và Phạm Thị Huệ gây sự chú ý đặc biệt, khi có thể hình thấp bé hơn nhiều so với hai đội đua thuyền của Nhật Bản và Trung Quốc.

Chính sự thua thiệt này khiến đội rowing của Việt Nam gặp bất lợi trước các đối thủ. Thực tế ở chung kết nội dung thuyền bốn nữ hạng nặng một mái chèo, sự nỗ lực tuyệt vời giúp 4 VĐV Việt Nam vượt qua Nhật Bản trong khoảng 1.500m. Nhưng sau đó đội có dấu hiệu hụt hơi và để đối thủ “lội ngược dòng” cán đích thứ 2, sau đội giành HCV là Trung Quốc.

Đội Việt Nam thua Nhật bản ở những mét cuối (Ảnh Hoàng Linh).

“Dù rất quyết tâm nhưng Trung Quốc và Nhật Bản là 2 đối thủ quá mạnh. VĐV Việt Nam hạng nhẹ thi đấu với đối thủ hạng nặng nên chúng tôi không thể vượt qua được. Để chuẩn bị cho Asiad 19, đội tuyển đua thuyền đã được quan tâm, chuẩn bị tích cực. Chúng tôi mong muốn chiếc huy chương này sẽ là động lực để thi đấu tốt hơn”, tay chèo kỳ cựu Phạm Thị Huệ chia sẻ.

Trong khi đó, đồng đội của Phạm Thị Huệ là Dư Thị Bông thể hiện sự tiếc nuối khi để thua Nhật Bản ở thời điểm quyết định trong lượt thi chung kết.

“Với các VĐV thi đấu ở hạng cân nhẹ sự chênh lệch trình độ không nhiều, nhưng chúng tôi lại thi đấu ở nội dung thuyền nặng. Dù có chút tâm lý nhưng khi bước vào cuộc thi thì tất cả đều có sự tập trung cao nhất. Tôi rất hạnh phúc khi cùng các đồng đội giành tấm huy chương đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại Asiad 19“, Dư Thị Bông nói.

Sự thua thiệt về thể hình của các VĐV Việt Nam với hai đối thủ Trung Quốc và Nhật Bản (Ảnh Nam Trung)

Một lãnh đạo ngành thể thao cho biết, việc sắp xếp VĐV tranh tài ở các nội dung là chiến thuật của Ban huấn luyện mỗi đội tuyển. Với riêng rowing có những đặc thù riêng, các VĐV Việt Nam chủ yếu thi đấu ở nội dung hạng nhẹ nhưng tại Asiad năm nay nước chủ nhà Trung Quốc lại đưa vào chương trình thi đấu nội dung hạng nặng.

Chỉ là VĐV hạng nhẹ với hạn chế về sải tay, sức bền… nhưng bốn cô gái Việt Nam đã thi đấu rất tuyệt vời và suýt giành được HCB Asiad. Những cô gái nhỏ bé của Việt Nam giành HCĐ và xứng đáng là những người hùng, tấm gương sáng về ý chí và nghị lực phi thường.

Ngay sau khi nhận huy chương từ BTC, Đinh Thị Hảo, Dư Thị Bông, Hà Thị Vui và Phạm Thị Huệ nhận được mức thưởng nóng từ lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam.

Tấm huy chương của ý chí và tinh thần chiến đấu (Ảnh Nam Trung, T.Đ).

Được biết, đoàn thể thao Việt Nam chỉ thưởng nóng cho các VĐV giành HCV Asiad (nhà tài trợ treo thưởng), nhưng đây là mức thưởng ngoại lệ với tấm huy chương “mở hàng” đến từ các VĐV tuyển rowing Việt Nam.

Theo quy định của nhà nước, mức thưởng dành cho các VĐV, tập thể giành được HCV ở Asiad là 200 triệu đồng, HCB là 85 triệu đồng, HCĐ là 55 triệu đồng. Ngoài ra, nếu các VĐV phá 1 kỷ lục tại Asiad sẽ được thưởng thêm 55 triệu đồng, chưa kể các khoản thưởng của Liên đoàn, mạnh thường quân…

Giành huy chương Asiad trong ngày sinh nhật

Niềm vui của VĐV Hà Thị Vui như nhân đôi khi tấm HCĐ Asiad mà cô và các đồng đội giành được trong đúng này sinh nhật tuổi 24 của mình. “Tôi cảm thấy rất xúc động, vinh dự và tự hào khi lần đầu tiên tham dự đấu trường Asiad và đem về tấm huy chương đầu tiên cho Tổ quốc. Tôi và các đồng đội có thể giành HCV ở nội dung sắp tới. Đây sẽ là món quà mà tôi muốn dành tặng cho người chồng tương lai của mình. Chúng tôi dự kiến tổ chức đám cưới vào cuối năm nay”, Hà Thị Vui chia sẻ cảm xúc.

Vietnamnet.vn