Trong nhiều thập kỷ, cư dân đã tụ tập, tổ chức tiệc và cầu hôn dưới gốc cây đa 150 tuổi ở khu vực trung tâm thị trấn Lahaina, Hawaii. Nhưng tháng trước, hỏa hoạn tồi tệ nhất lịch sử Hawaii xảy ra ở nơi này đã xé toang Tây Maui, thiêu rụi cây đa.
Cây đa có tán rộng lớn bị cháy rụi bắt đầu mọc lá trở lại
Nhiều người lo lắng cây đa thiêng liêng của cư dân bản địa có thể không tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, những chồi xanh bắt đầu mọc ra xung quanh thân cây khổng lồ của cộng đồng; một số khác mọc lên từ cành, giữa những chiếc lá màu nâu khô, theo New York Times.
Tuần này, Bộ Đất đai và Tài nguyên thiên nhiên Hawaii đã chia sẻ một đoạn video cho thấy những chiếc lá màu xanh tươi trên cây, được mô tả là “dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi của cây”. Bộ ghi nhận công việc của những người trồng cây tình nguyện dành thời gian và chuyên môn để chăm sóc cây đa khỏe mạnh trở lại.
Đối với nhiều người dân địa phương, sự tái sinh của cây đa tượng trưng cho “hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn”.
Vào ngày 8.8, cháy rừng quét qua đảo Maui và khiến ít nhất 97 người chết. Hầu hết Lahaina, nơi có cộng đồng 13.000 cư dân, từng là thủ đô của vương quốc Hawaii, đã bị phá hủy.
Cây Ficus benghalensis hay cây sung nói trên được trồng vào năm 1873. Tổ chức Phục hồi Lahaina, một tổ chức bảo tồn phi lợi nhuận, mô tả cây này là loại cây lớn nhất ở Mỹ. Cao hơn 60 feet (18m) gần tòa án cũ, cây đa đã trở thành địa điểm được người dân địa phương yêu mến và du khách mỗi khi đến Hawaii thường ghé thăm.
Sau vụ cháy, thân cây gần như đã thành than và tán cây – vốn đã mọc rộng hơn 2.000m2 – bị đốt cháy, lá chuyển sang màu nâu giòn.
Thống đốc bang Hawaii Josh Green từng cho rằng, hỏa hoạn ở Hawaii là vụ cháy rừng chết chóc nhất trong lịch sử hơn 100 năm qua của Mỹ.
Một thống kê cho biết, hơn 2.200 tòa nhà đã bị thiệt hại hoặc phá hủy hoàn toàn, trong đó 86% là nhà ở. Thiệt hại do cháy rừng ước tính lên đến 5,5 tỉ USD…