Theo đó, sau hơn 10 giờ bay từ New York (Hoa Kỳ), trưa 23/9 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế São Paulo, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Ra sân bay đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có đại diện chính quyền bang São Paulo; Đại sứ Brazil tại Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa; nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Brazil.
Theo chương trình, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Tổng thống Brazil Lula da Silva; cùng Tổng thống Brazil họp báo chung và chứng kiến lễ ký kết, trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Brazil; thăm, làm việc với một số doanh nghiệp hàng đầu Brazil; cùng một số hoạt động quan trọng khác…
Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo Đảng và Chính phủ đầu tiên của nước ta tới thăm chính thức Brazil kể từ chuyến thăm năm 2007 của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Vì thế, chuyến thăm Brazil lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong tương lai.
Theo đó, chuyến thăm, sẽ mở ra những định hướng mới trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Brazil, xác định những dự án và lĩnh vực hợp tác cụ thể, qua đó đưa quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Đối với Việt Nam, Brazil là đối tác quan trọng số 1 ở khu vực Nam Mỹ. Với vị trí địa lý rộng lớn thứ 5 trên thế giới và dân số trên 211 triệu người, Brazil thực sự là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác Brazil là cửa ngõ để Việt Nam đi vào các thị trường khu vực Mỹ Latin, ngược lại Việt Nam là cánh cửa để các doanh nghiệp Brazil thâm nhập vào vào thị trường ASEAN và các nước châu Á khác.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực mới nổi như chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng mới, chuyển đổi số, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực… đều là những lĩnh vực mà hai nước có sự tương đồng về quan điểm và có thể vừa học hỏi lẫn nhau, vừa trợ giúp cho nhau để cùng giải quyết những vấn đề liên quan, tận dụng cơ hội, cùng phát triển.