Từ hơn 700 thương hiệu năm 2017, năm 2023, con số này chỉ còn gần 250. Gần như tất cả các thương hiệu đã biến mất đều nằm ở Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Số lượng các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Apple duy trì trên 30.
Counterpoint Research nêu lên một số lý do đứng sau xu hướng này trong 7 năm qua. Dịch bệnh và thiếu hụt linh kiện bắt đầu từ năm 2020 gây tác động nặng nề, trong khi kinh tế toàn cầu giảm tốc sau cuộc chiến Nga – Ukraine năm 2022 khiến nhiều công ty nhỏ không chịu nổi nhiệt.
Các thương hiệu địa phương còn phải đối phó với nhiều thách thức khác dẫn đến rút lui. Chẳng hạn, mọi người lười nâng cấp điện thoại hơn, thiết bị giá rẻ ngày càng cải thiện chất lượng, người dùng dịch chuyển từ 4G sang 5G, các “ông lớn” chiếm nhiều thị phần hơn.
Một yếu tố khác là điện thoại tân trang (refurbished). Doanh số hàng refurbished tăng trưởng 14% trong năm 2021 so với 5% của hàng mới. Khác biệt càng rõ rệt hơn trong năm 2022 với tỷ lệ tương ứng 5% và -12%.
Nằm trong số các thương hiệu gây nuối tiếc nhất khi biến mất là LG. Sau 6 năm thua lỗ gần 4,5 tỷ USD, LG buộc phải đóng cửa bộ phận smartphone vào hai năm trước bất chấp sở hữu không ít thiết bị sáng tạo.
Counterpoint dự đoán sẽ có nhiều cái tên khác phải giải thể theo thời gian, trao thêm quyền lực vào tay những “gã khổng lồ” thế giới. Dù vậy, những thương hiệu nhỏ có thể sống sót khi đi vào ngách, chẳng hạn Doro phục vụ người dùng cao tuổi, còn Fairphone tập trung vào khả năng sửa chữa dễ dàng.
(Theo Techspot)