Hãng Reuters ngày 24.9 đưa tin Giáo hoàng Francis cho rằng một số nước đang “chơi trò chơi” với Ukraine, khi ban đầu cung cấp vũ khí và sau đó cân nhắc rút lại các cam kết.
Ông đưa ra nhận định khi đang trên máy bay trở về từ thành phố cảng Marseille ở Pháp và trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu ông có bức xúc vì nỗ lực đem lại hòa bình của mình chưa thành công hay không.
Giáo hoàng Francis đã phái Hồng y người Ý Matteo Zuppi đến Ukraine, Nga, Mỹ và Trung Quốc để gặp gỡ lãnh đạo các nước. Ông Francis chia sẻ một số bức xúc và sau đó bắt đầu nói về công nghiệp vũ khí và cuộc chiến.
“Đối với tôi, dường như lợi ích trong cuộc chiến này không chỉ liên quan vấn đề Ukraine – Nga mà còn liên quan việc mua bán vũ khí… Tôi thấy bây giờ một số nước đang thụt lùi, không muốn cung cấp vũ khí cho Ukraine. Một quá trình đang bắt đầu trong đó những người hy sinh chắc chắn sẽ là người dân Ukraine và đó là một điều xấu”, ông phát biểu.
Làm rõ những ý trên, phát ngôn viên Matteo Bruni của Vatican cho hay Giáo hoàng Francis không nêu lập trường về việc các nước nên tiếp tục hay dừng gửi vũ khí cho Ukraine.
“Đó là một sự phản ánh về những hậu quả của ngành công nghiệp vũ khí. Đức Giáo Hoàng đã nói rằng những người buôn bán vũ khí không bao giờ phải chịu hậu quả cho những lựa chọn của mình mà để những người dân phải chịu, giống như người Ukraine”, theo ông Bruni.
Trong một diễn biến khác, Đài CNN ngày 24.9 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Mỹ và các đồng minh khác “trực tiếp gây chiến” với Nga. Ông đưa ra nhận định khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tại Ukraine ở mức độ nào.
Nhà ngoại giao cáo buộc Mỹ, Anh và nhiều nước khác “gây chiến” và có những hành động thù địch đối với Nga. Ông chỉ trích các nước trên ngày càng cung cấp nhiều vũ khí cho Kyiv, trong khi các vệ tinh quân sự và máy bay do thám từ những nước này cũng được sử dụng để chống lại Moscow.
Các nước trên chưa bình luận.
Liên quan chuyến công du của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhà lãnh đạo đã ghé qua Ba Lan hôm 23.9, sau khi đến Mỹ và Canada. Theo Reuters, ông không gặp quan chức nào, trong bối cảnh 2 nước căng thẳng về vấn đề xuất nhập khẩu ngũ cốc.
Tuần trước, Ba Lan quyết định gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, làm lung lay mối quan hệ của Ukraine với nước láng giềng vốn là một trong những đồng minh thân cận nhất kể từ khi Nga đưa quân sang Ukraine.