Một ngày giữa tháng 9, nhóm anh Phạm Quang Thiết (29 tuổi, trú tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) mang theo cuốc, xẻng, hàng chục lít nước đựng trong xô, can ra cánh đồng gần nhà săn dế.
Mùa này có mưa, độ ẩm cao, dế thường làm hang, xây tổ và sinh sản ở nương rẫy, cánh đồng hoặc bãi đất trống. Theo kinh nghiệm của dân địa phương, các ụ đất mới nổi lên là nơi dế làm tổ.
Sau khi tìm được tổ dế, người đi săn đưa tay gạt đi lớp đất mới. Miệng hang dế lộ ra, người thợ sẽ đổ nước từ từ và quan sát.
Một lát sau, nước ngập tổ, dế không chịu được, buộc phải bò ra. Cũng có con dế phát hiện nguy hiểm, đã chui gần miệng hang nhưng không ra. Khi đó, người đi cùng cần phối hợp, nhanh tay dùng xẻng thọc vào đất, chắn ngang hang để chặn đường trốn thoát của dế.
Mùa này dế sinh sản nên ở nhiều tổ, thợ săn thường sẽ bắt được cả một cặp dế bố mẹ. “Năm nào, mưa nhiều, độ ẩm cao, dế sẽ to béo, còn năm hạn hán kéo dài thì ngược lại”, anh Thiết chia sẻ.
Cứ sau mỗi trận mưa, người dân Hương Sơn lại đổ ra bãi bồi ven sông Ngàn Phố để săn dế.
Nhiều người đi săn dế vì muốn ôn lại ký ức tuổi thơ và cho con nhỏ đi trải nghiệm. Nhiều nhóm thanh niên cùng đi săn dế để mang về làm thực phẩm cho gia đình hoặc món nhậu. Còn thợ săn dế xem đây là nghề thời vụ nên mang rất nhiều bình chứa nước và xẻng đi cuốc, đào để có thêm thu nhập.
Dế sau khi bắt được, người săn cho vào chai nhựa hoặc can nhỏ. Dế hiện có giá 1.500-2.500 đồng/con tùy thời điểm. Có năm giá bán loại đặc sản đồng quê này lên tới 3.000 đồng/con. Một ngày, nhóm người phối hợp săn được 200-400 con, sẽ có thu nhập 500.000 đồng đến tiền triệu.
Dế có thể chế biến thành nhiều món như rang muối sả ớt, chiên giòn, chiên bột, nướng. Trước kia, đây là món ăn dân dã, nhiều năm trở lại đây, các nhà hàng, quán nhậu thu mua dế để bán cho khách. Cũng từ đó, đến hẹn lại lên, món dế trở thành đặc sản đồng quê mùa mưa lũ, là nghề thời vụ thú vị, vui thích, mang lại thu nhập khá cho người dân lúc nông nhàn.