Ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở VH-TT-DL Vĩnh Long, cho biết toàn tỉnh hiện có 127 cơ sở lưu trú du lịch (61 khách sạn, 40 nhà nghỉ, 26 homestay) và 16 doanh nghiệp lữ hành (12 nội địa, 4 quốc tế). Trong đó, các điểm du lịch homestay vừa phục vụ khách lưu trú, vừa kết hợp cho khách du lịch tham quan các vườn cây ăn trái, vườn cây cảnh; 8 khu, điểm du lịch, 3 hộ làm cốm – kẹo dừa, nuôi mật ong, bán hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, Vĩnh Long còn có các di tích, công trình kiến trúc văn hóa lịch sử tiêu biểu như: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt…
Hầu hết, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh đều có thể tham gia ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quảng bá du lịch, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nhà nước, quảng bá và bán hàng hóa, sản phẩm thông qua các trang như: Tripadvisor, Booking, Agoda, Zalo, Facebook, YouTube… góp phần quảng bá tiềm năng của mình đến gần hơn với khách du lịch trong và ngoài nước.
Sau khi trải nghiệm điểm du lịch ở cù lao Minh (H.Long Hồ, Vĩnh Long), ông Bùi Ngọc Điệp (43 tuổi, ngụ TP.HCM) vui vẻ cho biết: “Tôi biết được điểm nhà dừa này thông qua cổng thông tin du lịch Vĩnh Long. Vì vậy, dịp cuối tuần, tôi đưa gia đình về đây tham quan, nghỉ ngơi, thư giãn”.
Để hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, Sở VH-TT-DL Vĩnh Long đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021-2025. Từ đề án này, ngành du lịch hỗ trợ cho cơ sở kinh doanh du lịch ứng dụng CNTT trong xúc tiến, quảng bá hoạt động, sản phẩm của mình thông qua ứng dụng, fanpage, cổng thông tin…
“Hiện nay, cổng thông tin du lịch của tỉnh thường xuyên cập nhật quảng bá hình ảnh, giá dịch vụ, các gói khuyến mãi, thông tin về cơ sở lưu trú, ẩm thực, điểm tham quan, mua sắm, lữ hành… phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của du khách. Cổng thông tin du lịch Vĩnh Long hiện đạt trên 4,25 triệu lượt truy cập. Về trang Facebook Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Vĩnh Long, thường xuyên đăng tải các thông tin, hình ảnh về hoạt động của du lịch Vĩnh Long, cũng như các hoạt động của cơ sở kinh doanh du lịch, qua đó góp phần quảng bá cho các cơ sở kinh doanh”, ông Giàu cho biết thêm.
Ngoài ra, qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị… Sở cũng phát động, kêu gọi các cơ sở kinh doanh thu hút khách du lịch các trang mở, mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok… Đây là hình thức quảng bá miễn phí nhưng khá hiệu quả, giới thiệu được những sản phẩm đặc trưng của cơ sở, những hình ảnh đẹp của địa phương.
Nhằm giám sát các cơ sở du lịch thực hiện theo quy định, Sở VH-TT-DL Vĩnh Long phân công Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch kiểm tra chặt chẽ nội dung và các hồ sơ liên quan trước khi đăng tải quảng bá doanh nghiệp. Về mặt quản lý nhà nước, Thanh tra Sở này sẽ kiểm tra các thông tin, dịch vụ quảng bá để kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất lãnh đạo có ý kiến với doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh nếu phát hiện sai sót, vi phạm trong hoạt động quảng bá trên không gian số.
Về giải pháp liên kết các cơ sở kinh doanh, hoạt động du lịch nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nhằm hình thành chuỗi giá trị sản phẩm du lịch đặc thù, Sở VH-TT-DL Vĩnh Long đã tích cực tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo như: Ngày hội du lịch tỉnh Vĩnh Long năm 2022, Hội nghị xúc tiến đầu tư với TP.HCM… Trong đó, luôn chú trọng nội dung chuyển đổi số trong du lịch, tạo mối liên kết giữa các cơ sở, doanh nghiệp làm du lịch với nhau để qua đó cùng phát triển bền vững. Sắp tới, Sở sẽ tổ chức hội thảo khoa học về phát triển sản phẩm và kết nối tour, tuyến du lịch giữa Vĩnh Long với các tỉnh, thành ĐBSCL, TP.HCM và các địa phương khác trong cả nước.