Gã khổng lồ cà phê Starbucks (Mỹ) đã đầu tư hơn 220 triệu USD vào một cơ sở mới ở Trung Quốc, một dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với chuỗi cà phê toàn cầu bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế lớn.
Starbucks cho biết, đây là khoản đầu tư lớn nhất mà họ từng thực hiện cho một trung tâm sản xuất và phân phối cà phê bên ngoài nước Mỹ. Địa điểm này có một cơ sở rang cà phê lớn và một khu vực cho phép du khách xem cách pha chế đồ uống.
Việc khai trương “Công viên đổi mới” rộng 7.400 m2 nằm ở thành phố Côn Sơn, gần Thượng Hải, diễn ra vào ngày 19/9, sau một năm trì hoãn kéo dài. Tổng số vốn đầu tư cao hơn gần 50% so với con số 150 triệu USD mà Starbucks dự kiến phân bổ trước đó vào năm 2020.
Trước đây, Starbucks dự tính cơ sở này sẽ “hoạt động vào mùa hè năm 2022”, mặc dù mốc thời gian từng được đưa ra vào tháng 11/2020, khi Trung Quốc phải vật lộn với các hạn chế liên quan đến Covid-19.
Trung Quốc từ lâu đã là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Starbucks, đóng vai trò là thị trường lớn thứ hai của công ty trên toàn thế giới và thị trường nước ngoài hàng đầu. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Starbucks Laxman Narasimhan cho rằng công ty “vẫn còn trong những ngày đầu hoạt động ở Trung Quốc”, ngụ ý rằng mức tiêu thụ cà phê ở quốc gia có truyền thống uống trà này vẫn tương đối thấp.
Laxman Narasimhan đánh giá không gian mới sẽ cải thiện chuỗi cung ứng và các mục tiêu bền vững, đặc biệt khi cơ sở này được thiết lập để trở thành nhà máy sản xuất cà phê tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới của công ty.
Đáng chú ý, ngày 18/9, Starbucks đã ra tuyên bố quyết định bổ nhiệm Molly Liu – Giám đốc điều hành Starbucks Trung Quốc, làm Phó Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc điều hành của Starbucks Trung Quốc kể từ ngày 2/10.
Kể từ khi gia nhập Starbucks vào năm 2012, Molly Liu đã đặt nền móng cho mảng bán hàng kỹ thuật số của hãng tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt là việc ra mắt dịch vụ đặt hàng kỹ thuật số “Starbucks Delivers” và “Starbucks Now”, đóng góp 48% doanh số bán hàng tại đất nước tỷ dân trong quý III/2023.
Ngoài ra, cô còn thành lập chương trình Starbucks Rewards và biến nó thành chương trình khách hàng thân thiết hàng đầu với hơn 20 triệu thành viên tích cực. Gần đây, cô giám sát việc công ty tăng tốc mở rộng đến nhiều địa điểm cửa hàng hơn, đồng thời tiếp thêm sinh lực cho sự đổi mới đồ uống cà phê bằng việc ra mắt thành công các nền tảng mới.
Cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải công bố ngày 19/9 cho thấy sự lạc quan của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đang ở mức “thấp kỷ lục”, chủ yếu do tình hình kinh tế trì trệ và căng thẳng Washington – Bắc Kinh. Tuy nhiên, tình hình gần đây cho thấy tình trạng suy thoái đang dần ổn định trở lại.
Việc khai trương “Công viên đổi mới” tại Trung Quốc được đánh giá là một bước tiến lớn trong tham vọng chinh phục thị trường Trung Quốc của Starbucks.
Trước đó, năm 2017, Starbucks đã mua lại hoàn toàn các đối tác nhượng quyền tại Trung Quốc với giá 1,3 tỷ USD, qua đó biến 1.300 chi nhánh nhượng quyền thành cơ sở trực thuộc Starbucks, bên cạnh 1.500 cửa hàng có sẵn.
Công ty hiện có hơn 6.500 quán cà phê tại hơn 250 thành phố của Trung Quốc và trung bình cứ sau 9 giờ lại có một cửa hàng mở mới ở nước này. Điều đó cho thấy tham vọng của Starbucks trong việc thúc đẩy Trung Quốc trở thành thị trường hàng đầu, thậm chí vượt qua cả Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất của hãng trên thế giới vào năm 2025 như tuyên bố của cựu Giám đốc điều hành Howard Schultz vào năm 2022.
(Theo Erienewsnow)