Xin cho tôi hỏi trường hợp nào người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương? – Độc giả Thanh Thảo
Người lao động có quyền gì?
Theo khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động có những quyền sau đây:
– Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
– Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
– Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
– Đình công;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nào người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương?
Tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong trường hợp sau đây:
– Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
– Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
– Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Ngoài ra, Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Ngoài quy định nêu trên, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Người lao động có được tạm ứng tiền lương khi nghỉ phép hay không?
Theo khoản 5 Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định.
Theo đó, tại Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về tạm ứng tiền lương như sau:
– Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
– Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
– Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người lao động được tạm ứng tiền lương khi nghỉ phép theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không phải tính lãi với một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.