Chú trọng đào tạo các nhóm nghề trong ngành du lịch
Thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đào tạo các nhóm nghề liên quan đến du lịch như kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch…, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người học cùng các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.
Chú trọng kỹ năng mềm
Du lịch khởi sắc, nhiều DN trong lĩnh vực này quan tâm đến nguồn lao động trình độ cao. Do đó, nhiều đơn vị đã phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ.
Theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Công đoàn tỉnh, trong năm 2022, Trung tâm đã đào tạo khoảng 650 học viên thuộc các ngành: Kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ lưu trú, nghiệp vụ nhà hàng. Trong hơn 3 tháng đầu năm 2023, có 2 DN đăng ký các lớp đào tạo nghiệp vụ thuộc ngành du lịch.
Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước chỉ chú trọng đào tạo kỹ năng chuyên môn cho học viên; thời gian gần đây, các cơ sở GDNN và DN đã tăng thời lượng đào tạo kỹ năng mềm cho người lao động.
Theo ông Lê Thanh Sỹ, Giám đốc Trung tâm GDNN Công đoàn tỉnh, theo sự phát triển của xã hội, yêu cầu đặt ra cho người làm du lịch ngày càng cao hơn, không chỉ thành thạo một kỹ năng mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác.
“Ngoài tay nghề, bằng cấp, người lao động cần được trang bị thêm kỹ năng về cung cách phục vụ, giao tiếp với khách hàng, nhất là trong các tình huống bất ngờ, cần xử lý nhanh chóng, chuyên nghiệp. Đây là yếu tố then chốt, ảnh hưởng đến hình ảnh của DN trong mắt khách hàng nên được quan tâm hàng đầu”, ông Sỹ nói.
Bên cạnh kỹ năng mềm, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học viên cũng được các cơ sở GDNN chú trọng. Ông Phạm Văn Tường, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, cho hay: “Ngoại ngữ là yếu tố quan trọng, đặc biệt khi làm việc với đối tác, du khách nước ngoài. Bởi vậy, ngoài tiếng Anh cơ bản, nhà trường còn đưa vào chương trình các học phần tiếng Anh chuyên ngành để sinh viên (SV) các ngành học liên quan nắm chắc hơn kỹ năng này”.
Từ góc độ của DN, bà Cao Thị Niềm, Trưởng Phòng Nhân sự của Khách sạn Bình Dương (Binh đoàn 15), khẳng định: “Kỹ năng chuyên môn là yếu tố cần, kỹ năng mềm và ngoại ngữ là yếu tố đủ để tạo thành một lao động có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và khách hàng”.
SV nghề Quản trị nhà hàng, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, thực hành kỹ năng pha chế đồ uống. Ảnh: Trường CĐ KTCN Quy Nhơn |
Tích cực hỗ trợ học viên
Để xây dựng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, các cơ sở GDNN đặt tiêu chí “làm được việc” lên hàng đầu.
Đối với học viên là người lao động thuộc các DN, Trung tâm GDNN Công đoàn tỉnh mời DN cùng tham gia điều chỉnh chương trình đào tạo, xác định yêu cầu về từng kỹ năng cần có để đào tạo theo lộ trình phù hợp. Nhờ vậy, hàng trăm lao động đến từ các DN lớn như Resort Maia Quy Nhơn, FLC Quy Nhơn Golf & Resort, khách sạn Anya… đã được nâng cao trình độ, cải thiện kỹ năng mềm.
Song song với đó, Trung tâm còn có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trên 3 hoạt động: Đào tạo, đào tạo lại; tư vấn, giới thiệu việc làm cho các đối tượng đang được đào tạo; hỗ trợ các đơn vị tự đào tạo nội bộ.
Với đối tượng là SV, bên cạnh việc cập nhật giáo trình, đảm bảo cơ sở vật chất cho người học, các cơ sở đào tạo sẵn sàng giải đáp thắc mắc của SV liên quan đến nhu cầu tuyển dụng và cơ hội việc làm. Nguyễn Trường Phong, SV lớp CĐ K15 Kỹ thuật chế biến món ăn (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), chia sẻ: “Để việc học tập được hiệu quả, SV cần hiểu yêu cầu, tiêu chí của nhà tuyển dụng đối với người lao động. Chẳng hạn, với nghề của tôi, ngoài đảm bảo món ăn ngon thì cần đáp ứng tiêu chí trình bày bắt mắt, hấp dẫn. Nhờ thầy cô dành thêm thời gian chỉ bảo, chúng tôi có điều kiện trau dồi thêm”.
Ngoài ra, để giúp SV làm việc đúng chuyên môn sau tốt nghiệp, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn chủ trương tiếp tục liên kết, phối hợp chặt chẽ với các DN trong và ngoài tỉnh để đưa SV đến thực tập, từng bước tiếp cận với thực tế công việc, dần hoàn thiện các kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết trong môi trường chuyên nghiệp.
“Trong kỳ thực tập kéo dài 3 tháng tại các công ty, DN trong ngành du lịch, nhiều SV được nhà trường gửi đến các DN lớn như Sun World Bà Nà Hills, các khách sạn ở Phú Quốc… đều được giữ lại làm việc. Tỷ lệ SV có việc làm đúng chuyên ngành sau khi ra trường đạt trên 95%”, ông Tường cho hay.
DƯƠNG LINH