Trưởng nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình Nhật Bản đánh giá CEPPP là một sự kiện đặc biệt, chưa từng có trước đây với sự phối hợp của ba lực lượng cùng học tập và luyện tập là quan sát viên quân sự, công binh và quân y.
Chiều 21-9, đúng Ngày Quốc tế hòa bình, tại Trung tâm huấn luyện quân sự quốc gia 4 (Hà Nội) diễn ra lễ bế mạc chương trình đánh giá năng lực cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình chu kỳ 4 (2021 – 2023).
Đây là hoạt động do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì, nằm trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Thúc đẩy hợp tác, nâng cao năng lực gìn giữ hòa bình
Phát biểu tại lễ bế mạc, thượng tướng Phùng Sĩ Tấn – phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam – đánh giá cao những nỗ lực, sự đóng góp của toàn thể 18 đoàn quốc tế đến từ các quốc gia thành viên ADMM+ vào thành công của CEPPP 2023.
Ông đánh giá lực lượng gìn giữ hòa bình các quốc gia thành viên ADMM+ đã tham gia tích cực, có trách nhiệm, hiệu quả, đóng góp vào thành công của chu kỳ 4 nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ ADMM+.
Đặc biệt, thượng tướng gửi lời cảm ơn tới Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Quốc phòng Việt Nam trên vai trò đồng chủ trì CEPPP 2023.
Đồng thời bày tỏ tin tưởng, thông qua cơ chế hợp tác ADMM+ nói chung và cụ thể là hoạt động của nhóm chuyên gia về gìn giữ hòa bình, Việt Nam – Nhật Bản cùng các nước thành viên ADMM+ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, đóng góp hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc trên thế giới trong thời gian tới.
Thay mặt các lực lượng quốc tế tham gia diễn tập, bà Matsuzawa Tomoko – giám đốc hợp tác quốc tế khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trưởng nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình Nhật Bản – đánh giá CEPPP là một sự kiện đặc biệt, chưa từng có trước đây với sự phối hợp của ba lực lượng cùng học tập và luyện tập là quan sát viên quân sự, công binh và quân y.
Bà đặc biệt nhấn mạnh sự đóng góp của các thành viên nữ tham gia CEPPP với tư cách là giảng viên, học viên, nhân viên bảo đảm, góp phần làm tăng giá trị của CEPPP với việc nâng cao sự hiểu biết các quan điểm về giới và đẩy mạnh sự tham gia của phụ nữ trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
“Hãy cùng mang về quốc gia của mình những kiến thức đã học được tại đây. Hãy cùng mang theo những kinh nghiệm này làm hành trang cho các hoạt động gìn giữ hòa bình tiếp theo và hãy cùng nhau tiếp tục đóng góp vào nền hòa bình và an ninh thế giới” – bà Matsuzawa Tomoko nói.
Chu kỳ thành công của các quốc gia thành viên ADMM+
Sau 9 ngày, 18 đoàn quốc tế thuộc các quốc gia thành viên ADMM+, CEPPP 2023 đã tham gia các hoạt động phong phú gồm cả huấn luyện lý thuyết và diễn tập thực hành.
Tại chương trình, các học viên đã được giảng dạy lý thuyết chuyên sâu kết hợp với thực hành kỹ năng của từng bộ phận quan sát viên quân sự, công binh và quân y trong thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Trong đó, nổi bật nhất là tình huống diễn tập tích hợp giữa ba thành phần: quan sát viên quân sự, công binh và quân y đòi hỏi sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ.
Chu kỳ 4 (2021 – 2023) là một chu kỳ thành công của các quốc gia thành viên ADMM+ nói chung và của nhóm chuyên gia ADMM+ về gìn giữ hòa bình nói riêng.
Hoạt động cuối chu kỳ lần này được tổ chức với những kết quả quan trọng, thiết thực, góp phần nâng cao năng lực cho lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc của các quốc gia thành viên ADMM+, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác và hiểu biết giữa các quốc gia thành viên ADMM+, đồng thời đóng góp vào môi trường hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và thế giới.
Thành công của hoạt động cuối chu kỳ lần này là kết quả quan trọng để báo cáo tại Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng diễn ra tại Indonesia vào tháng 11-2023.
tuoitre.vn