Nội dung này thể hiện trong báo cáo về tình hình giải ngân vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (gọi tắt là bồi thường) năm 2022 và năm 2023 của Sở TN-MT vừa gửi UBND TP.HCM.
TP.THỦ ĐỨC DẪN ĐẦU VỚI 26 DỰ ÁN
Năm nay, TP.HCM có 271 dự án bồi thường với tổng giá trị giải ngân 26.889 tỉ đồng, gồm hơn 5.697 tỉ đồng của năm 2022 chuyển sang và hơn 21.191 tỉ đồng của năm 2023. Số vốn này cao gấp 2,6 lần năm 2022 và là mức cao nhất trong lịch sử công tác bồi thường. Tính đến ngày 13.9, các địa phương đã giải ngân được 11.625 tỉ đồng, tương đương hơn 43%. Tỷ lệ này cao hơn bình quân cả nước, nhưng so với mục tiêu đề ra thì chưa đạt.
Trong số 21 quận, huyện được giao vốn bồi thường (trừ Q.1), có 10 địa phương được giao trên 500 tỉ đồng. Đến giữa tháng 9.2023, chỉ có 4 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân trên 70%, gồm Q.7, Q.11, H.Nhà Bè và H.Củ Chi.
Sở TN-MT nhận định với tỷ lệ giải ngân hiện nay, các địa phương khả năng chỉ hoàn thành giải ngân phần vốn của năm 2022 phải tiếp tục thực hiện, riêng các dự án được giao vốn mới trong năm 2023 thì không đạt và phải tiếp tục thực hiện trong năm 2024.
Đối với 155 dự án giao vốn bồi thường năm 2023, chỉ có 30 dự án đảm bảo tỷ lệ giải ngân, 24 dự án chậm tiến độ giải ngân và có đến 101 dự án chưa giải ngân. Trong số 101 dự án chưa giải ngân, TP.Thủ Đức dẫn đầu với 26 dự án, kế đến là H.Củ Chi có 11 dự án, H.Bình Chánh (10 dự án), H.Hóc Môn (9 dự án), Q.8 và Q.12 cùng có 5 dự án…
KHÓ GIẢI NGÂN TRÊN 95%
Sở TN-MT TP.HCM chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn bồi thường chậm như lập dự toán chi phí bồi thường chưa chính xác, chậm phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất cũng như vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Trong 155 dự án giao vốn bồi thường mới trong năm 2023, đến nay vẫn còn 65 dự án cần phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất nhưng UBND cấp huyện chưa hoàn tất chuẩn bị và chưa trình duyệt hệ số này. 65 dự án này có tổng vốn được giao hơn 4.900 tỉ đồng, dự kiến năm nay không thể giải ngân hoặc chỉ giải ngân một phần nhỏ.
ĐÃ CÓ NHIỀU CHỈ ĐẠO, GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG VẪN CHẬM
Năm 2023, TP.HCM được giao 68.490 tỉ đồng vốn đầu tư công nhưng đến hết tháng 8 mới giải ngân được 29%. UBND TP.HCM có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đề nghị cấp ủy vào cuộc hỗ trợ. Thậm chí, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phê bình 25 đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp vốn đầu tư công trong quý 1/2023, nhưng tiến độ giải ngân vẫn còn chậm.
Năm 2023, TP.HCM quyết định lấy tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công để đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người đứng đầu địa phương và chủ đầu tư. Nếu kết quả giải ngân dưới 90% do lỗi chủ quan thì không xét thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với người đứng đầu.
Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt trên 95%, Sở TN-MT kiến nghị với những dự án của năm 2022 đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất thì địa phương khẩn trương, tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị, tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đây là nhóm dự án phải thực hiện dứt điểm trong quý 3/2023, tránh kéo dài dẫn đến phát sinh khiếu nại, khởi kiện của các hộ dân cũng như các vấn đề về lãi suất.
Riêng các dự án được phê duyệt năm 2023 thì các địa phương sớm ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng trường hợp bị ảnh hưởng và chi trả bồi thường.
Đối với 13 dự án được giao vốn bồi thường lớn (trên 300 tỉ đồng), những dự án nào đang chi trả bồi thường thì tiếp tục triển khai, đồng thời thu hồi mặt bằng bàn giao chủ đầu tư thi công phần xây lắp, đặc biệt là 2 dự án Vành đai 3 và đường Dương Quảng Hàm.
Từ nay đến hết năm 2023, Sở TN-MT sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ hết những khó khăn, vướng mắc phát sinh mới; đồng thời rà soát và đôn đốc tiến độ của từng dự án sau mỗi 10 ngày.