Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh hiện là một trong những vấn đề có thể lấy đi số lượng lớn phiếu ủng hộ Thủ tướng Rishi Sunak trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Cuộc khảo sát của YouGov từ 10-11/7 cho thấy, 43% cử tri sẽ bỏ phiếu cho đảng Lao động đối lập và chỉ 25% cho Thủ tướng Rishi Sunak.
Kinh tế Anh rơi vào vùng xoáy khủng hoảng, ‘vũ khí’ của London phản tác dụng, lỗi tại Brexit?. (Nguồn: IFL) |
Số liệu mới nhất cho thấy, nền kinh tế Anh có khởi đầu mờ nhạt vào năm 2023 khi lạm phát ảnh hưởng đến cả thu nhập khả dụng của các hộ gia đình. Và các nhà kinh tế nhận thấy, nguy cơ suy thoái sắp xảy ra khi lãi suất tăng cao hơn tiếp tục gây tổn hại ngay cả khi lạm phát giảm bớt.
Lạm phạt hạ nhiệt, sao người dân chưa bớt lo lắng?
Lạm phát ở Anh – nơi người dân chịu sức ép tiêu dùng lớn hơn hầu hết nước giàu khác – đã tạm hạ nhiệt. Cụ thể, giá tiêu dùng tháng 6 đã giảm đôi chút xuống 7,9% so với cùng kỳ 2022, theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS). Hồi tháng 5, lạm phát tại nước này đã lên đến 8,7%.
Dữ liệu bất ngờ này khiến cổ phiếu của Anh tăng mạnh với hy vọng rằng Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ không cần tăng lãi suất mạnh như dự đoán trước đây. Tuy nhiên, lạm phát giảm tốc giúp giới đầu tư lạc quan, nhưng người dân Anh còn chịu áp lực lớn khi giá cả hàng hóa và lãi vay vẫn đắt đỏ. Giá tiêu dùng của Anh tiếp tục tăng quá nhanh, tốc độ nhanh hơn so với hầu hết nước giàu khác. Điều này đang dẫn đến mức giảm thu nhập thực tế lớn nhất trong 70 năm của người dân.
Chịu áp lực bởi lạm phát gia tăng, đã lên mức cao nhất trong 41 năm, chi phí sinh hoạt đang tăng nhanh hơn thu nhập. Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và vẫn giảm chậm kể từ đó.
Cuộc khảo sát do ONS thực hiện từ ngày 28/6 – 9/7 với 2.156 người tham gia cho thấy, gần một phần ba người Anh được hỏi đang sử dụng tiền tiết kiệm để thanh toán các hóa đơn, gần một nửa gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê nhà và nợ ngân hàng.
Trong năm qua, Anh đã trải qua các cuộc đình công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải và giáo dục khi các công nhân đấu tranh để bảo vệ sức mua của họ.
Tuy nhiên, “vũ khí” chính trong cuộc chiến chống lạm phát vẫn là quyết định về nâng lãi suất do BoE quyết định. Trong khi, các nhà hoạch định chính sách lập luận rằng, phải mất thời gian để việc tăng lãi suất phát huy tác dụng.
Như vậy, việc siết chặt chi tiêu của các hộ gia đình dường như sẽ tiếp tục diễn ra khi BoE đã mạnh tay tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm lên mức 5% vào tháng 6 và các nhà đầu tư nhận thấy, rất ít dấu hiệu cho thấy ngân hàng này sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Hôm nay (21/9), người dân lại đang ‘nín thở’ chờ đợi quyết định lãi suất của BoE.
64/65 nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters mới đây vẫn nhận định, BoE sẽ nâng lãi suất từ 5,25% lên 5,5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.
Chuyên gia Ashley Webb của Công ty tư vấn Capital Economics cho rằng, “Dữ liệu GDP đã xác nhận nền kinh tế Anh đã thoát khỏi suy thoái vào đầu năm 2023. Nhưng với khoảng 60% lực cản từ lãi suất cao hơn vẫn chưa được cảm nhận rõ ràng, chúng tôi vẫn cho rằng, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng khó khăn trong những tháng cuối cùng của năm”.
Brexit chính là ‘thủ phạm’?
Hiện tại đang có nhiều thông tin không tích cực về nền kinh tế Anh, trong khi có không ít ý kiến đổ lỗi cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Tuy nhiên, thực tế cho thấy không hẳn như vậy.
Về mặt chính trị, vấn đề về Brexit dường như ngày càng rõ ràng ở nước Anh, nhiều người tin rằng việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là một thất bại. Khoảng 60% trong số họ cho rằng, quyết định này “là một sai lầm”, chỉ 10% cho rằng, Brexit đang diễn ra tốt đẹp ở thời điểm “hiện tại” và 30% cho rằng nó sẽ tích cực “về lâu dài”.
Trong hoàn cảnh như vậy, tất cả những điều tồi tệ của đất nước cuối cùng đều có thể đổ lỗi cho Brexit, từ lạm phát tăng vọt, trường học xuống cấp, danh sách bệnh nhân xếp hàng dài trong bệnh viện, kinh tế trì trệ… Nhưng thực tế có phải như vậy?
Ngày 1/9, ONS đã công bố một bản sửa đổi thống kê quan trọng, trong đó có những số liệu liên quan đến năm 2020 và 2021 của thời kỳ đại dịch, với kết luận rằng, nền kinh tế Anh mạnh hơn đáng kể so với ước tính ban đầu.
Trong quý IV/2021, GDP của nước này cuối cùng cao hơn 0,6% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch diễn ra, thay vì thấp hơn 1,2% như tính toán trước đó. Đột nhiên, với gần hai điểm GDP được lấy lại, có thể thấy kinh tế Anh dường như hoạt động không đến nỗi tệ sau khi chia tay EU.
Nếu tính toán mới này là chính xác và nếu bản thân số liệu thống kê năm 2022 và 2023 không thay đổi hoàn toàn, thì điều này có nghĩa là nền kinh tế hiện cao hơn 1,5% so với mức trước đại dịch. Nó tương tự như Pháp, tốt hơn đáng kể so với Đức (0%), nhưng kém hơn Italy (2,1%), Nhật Bản (3,5%), Canada (3,5%) hoặc Mỹ (6,1%).
Rõ ràng, với số liệu tươi sáng này, chính phủ Anh có thể “ăn mừng”. Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt khẳng định: “Những số liệu này cho thấy chúng tôi đã phục hồi tốt hơn nhiều nền kinh tế G7 khác”. Vậy có đúng là Brexit không có tác động xấu gì đối với nền kinh tế Anh?
Tuy nhiên, trở lại ngày 1/1/2021, khi Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu và kể từ đó, tất cả các doanh nghiệp xuất hoặc nhập khẩu đều phải đối mặt với hàng rào kiểm tra biên giới. Brexit chắc chắn đã có ảnh hưởng về quan hệ thương mại với châu Âu.
Ngay cả những nhà kinh tế ủng hộ Brexit cũng nhận ra điều này. Julian Jessop, một nhà kinh tế độc lập, viết trên tờ Daily Telegraph: “Bản thân số liệu hiện tại không đủ để chứng minh rằng Anh không bị ảnh hưởng bởi Brexit”.
Phó chủ tịch Tập đoàn tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và kinh doanh CBER – Douglas McWilliams, người từng ủng hộ Brexit, đã cảnh báo: “Sự thật là trước Brexit, kinh tế Anh đã hoạt động tốt hơn một chút so với các nước EU đồng hạng, còn bây giờ, nước này hoạt động kém tương tự”.
Vấn đề là trong bối cảnh hậu một đại dịch chưa từng có và một cuộc xung đột quân sự còn đang tiếp diễn ở châu Âu – hai cú sốc lớn, rất khó để phân loại những tác động chỉ đến từ việc rời khỏi EU. Nhằm xác định mức độ thiệt hại, Nhà kinh tế John Springford của Viện nghiên cứu Centre for European Reform đã so sánh nền kinh tế Anh với 22 quốc gia khác có kinh tế tăng trưởng với tốc độ tương đương trước Brexit.
Sử dụng số liệu thống kê mới của Anh, ông tìm được khoảng cách 5 điểm GDP giữa nền kinh tế Anh “không Brexit” và nền kinh tế hiện nay. 5 điểm GDP bị mất trong 7 năm (tính từ thời điểm trưng cầu dân ý năm 2016), “đó là một cú xì hơi từ từ”, ông chỉ rõ.
Có thể đúng như vậy, nhưng liệu cú sốc lớn như vậy có đáng tin không khi nền kinh tế Anh hiện đang hoạt động tốt (hoặc tệ) như nền kinh tế Pháp? Trong khi, một phần hoặc thậm chí phần lớn sự thay đổi hiện nay có thể là do Brexit, hoặc các yếu tố khác xen cài như chính sách tài khóa của Mỹ, hoặc sự tăng tốc phục hồi kinh tế ở Hy Lạp…
Chuyên gia Julian Jessop thì tin rằng, tác động của Brexit gần như không đáng kể. Ông cho rằng, tác động tiêu cực của Brexit với GDP của Anh chỉ khoảng là 2-3% GDP.
Sau cùng, tất nhiên không ai tin có bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ việc Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu. Và thực tế là cường độ trao đổi thương mại của Anh đã giảm và tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng hơn khi xu hướng tự do di chuyển của người lao động kết thúc.
Cuối cùng, có lẽ không phải là vấn đề chính, theo chuyên gia McWilliams, thành công của Anh phụ thuộc vào “khả năng quản lý của đất nước tốt thế nào”. Chuyên gia này đặc biệt đề cập khả năng quản lý quá trình khử carbon của nền kinh tế và giải quyết tình trạng bất ổn trong khu vực nhà nước. Theo ông, bàn tới tác động từ Brexit hiện giờ chỉ là thứ yếu.