Ba Lan nói sẽ không dừng lập tức hoạt động viện trợ vũ khí cho Ukraine, mà vẫn thực hiện các thỏa thuận đã đưa ra trước đó.
“Ba Lan sẽ chuyển giao các lô vũ khí và đạn dược theo những thỏa thuận đã đạt được trước đây, gồm cả những hợp đồng đã ký với Ukraine”, người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Muller cho biết hôm nay.
Tuyên bố của chính phủ Ba Lan được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Mateusz Morawiecki nói sẽ ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine để tập trung xây dựng nền quốc phòng, giữa lúc căng thẳng hai nước leo thang về vấn đề xuất khẩu nông sản.
Bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Morawiecki, Bộ trưởng Tài sản Nhà nước Ba Lan Jacek Sasin nói căng thẳng về ngũ cốc không có nghĩa Ba Lan ngừng ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, nhưng Warsaw cần bổ sung kho dự trữ vũ khí của nước này.
“Lợi ích của Ba Lan cần được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi không thể giải giáp quân đội Ba Lan, cũng không thể loại bỏ những vũ khí cần thiết cho an ninh của mình”, ông Sasin nói.
Tuyên bố của người phát ngôn Muller cho thấy Ba Lan sẽ không lập tức cắt dòng vũ khí tới Ukraine. Bộ trưởng Sasin cũng cho rằng quốc gia này đã cố gắng hỗ trợ chuyển giao vũ khí cho Ukraine, “nên chúng tôi không có gì phải tự trách”.
Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ Kiev nhiệt thành nhất kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022 và là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính cho quốc gia láng giềng. Ba Lan đã cung cấp xe tăng T-72, xe bọc thép, pháo và nhiều vũ khí khác cho Ukraine.
Ngoài cung cấp vũ khí từ kho trong nước, Ba Lan còn là quốc gia trung chuyển quan trọng cho các lô vũ khí mà Mỹ và đồng minh phương Tây đang gửi tới Ukraine. Ba Lan cũng đã tiếp đón khoảng một triệu người tị nạn Ukraine.
Quan hệ giữa Warsaw và Kiev leo thang căng thẳng sau khi Ba Lan tuần trước đơn phương duy trì lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, bất chấp Ủy ban châu Âu thông báo chấm dứt lệnh cấm áp đặt từ tháng 5. Hungary và Slovakia cũng phản đối quyết định của Ủy ban châu Âu.
EU hồi tháng 5 áp lệnh cấm nông sản Ukraine xuất khẩu vào 5 nước láng giềng Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia để bảo vệ nông dân địa phương. Theo lệnh cấm, 4 loại nông sản xuất khẩu Ukraine gồm lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương chỉ được phép đi qua lãnh thổ các nước láng giềng khi chúng được bán ở nơi khác.
Vấn đề ngũ cốc đặc biệt nhạy cảm với Ba Lan, khi nước này chuẩn bị diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào tháng tới. Đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền hiện nhận được ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri vùng nông thôn.
“Chúng tôi là những người đầu tiên làm rất nhiều điều cho Ukraine và đó là lý do chúng tôi mong đợi họ hiểu cho lợi ích của chúng tôi”, ông Morawiecki nói ngày 20/9. “Tất nhiên chúng tôi tôn trọng mọi vấn đề của họ, nhưng với chúng tôi, lợi ích của nông dân là quan trọng nhất”.
Đại diện Thương mại Ukraine Taras Kachka hôm 18/9 cho rằng các biện pháp của Ba Lan sẽ ảnh hưởng đáng kể hàng xuất khẩu của Ukraine. Kiev cho biết sẽ khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Gây áp lực với Ba Lan ở các diễn đàn đa phương hay khiếu nại lên tòa án quốc tế không phải là biện pháp phù hợp để giải quyết bất đồng giữa hai nước”, Bộ Ngoại giao Ba Lan cảnh báo.
Thanh Tâm (Theo AFP, Reuters)