Bộ Tư pháp và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo nhằm trao đổi kiến thức và đối thoại về quyền cùng các thách thức mà người chuyển giới phải đối mặt liên quan đến thân nhân và tài sản.
Với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, Hội thảo được tổ chức trong thời gian diễn ra Tuần lễ Tự hào Hà Nội – sự kiện thường niên nhằm tôn vinh tình yêu, sự đa dạng và hòa nhập.
Quang cảnh hội thảo. (Nguồn: UNDP tại Việt Nam) |
Tinh thần tích cực và sôi nổi của tuần lễ đã truyền cảm hứng cho cuộc đối thoại mang tính xây dựng, góp phần vào việc định hình Luật chuyển đổi giới tính đầu tiên tại Việt Nam.
Người chuyển giới phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trở ngại do giấy tờ tùy thân không khớp với bản dạng giới thực tế của họ. Do đó, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà ở, cơ hội việc làm, giáo dục cũng như các quyền và dịch vụ khác của người chuyển giới bị ảnh hưởng bởi việc không thể thay đổi giới tính hợp pháp trên giấy tờ.
Trong bài phát biểu khai mạc, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, trong đó công nhận phẩm giá và quyền bình đẳng của tất cả các cá nhân bao gồm người chuyển giới.
Bà Ramla Khalidi nhấn mạnh: “Nguyên tắc không phân biệt đối xử được ghi trong các điều ước quốc tế về nhân quyền như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) đều đã được Việt Nam phê chuẩn năm 1982 là rất quan trọng để bảo vệ quyền của người chuyển giới.
Việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sẽ không thể hoàn thành nếu không có sự bao trùm của người chuyển giới, phù hợp với nguyên tắc cốt lõi của Chương trình nghị sự 2023: Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bà Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự và Kinh tế, Bộ Tư pháp, cho biết: “Người đã chuyển đổi giới tính có nhu cầu giải quyết các vấn đề về nhân thân, tài sản. Để giải quyết các vấn đề này, việc tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật quốc tế là hết sức cần thiết.
Thông qua việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế; kết hợp việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước; nghiên cứu đặc thù văn hóa, xã hội và điều kiện kinh tế của Việt Nam, chúng ta có xây dựng quy định đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người chuyển đổi giới tính”.
Tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, người chấp bút soạn Luật chuyển đổi giới tính, trình bày về hiện trạng chuyển đổi giới tính tại Việt Nam và những vấn đề cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Cụ thể là kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật đối với người chuyển đổi giới tính ở các nước; độ tuổi quy định trong luật; can thiệp y học; quy định về tình trạng hôn nhân trong thực hiện can thiệp y học hoặc trong thủ tục công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; một số vấn đề pháp lý đặt ra sau can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; thủ tục hành chính trong việc công nhận việc chuyển đổi giới tính; và cơ quan có thẩm quyền xác nhận/ công nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính.
Những kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc từ ba quốc gia Nhật Bản, Pakistan và Ireland về hành trình hướng tới sự công nhận hợp pháp và sự chấp nhận của xã hội đối với người chuyển giới, tập trung vào lĩnh vực nhân thân và tài sản đã được đại diện ba quốc gia chia sẻ tại hội thảo.
Đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Nguồn: UNDP tại Việt Nam) |
Ông Conor Finn, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, cho biết Ireland đã đi một chặng đường dài trong lĩnh vực này chỉ trong một thời gian ngắn vài năm và đã mang lại những cải thiện đáng kể trong việc bảo vệ pháp lý cho người chuyển giới.
Ông khẳng định: “Hai nước Ireland và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị thân thiết và đáng trân trọng, chúng tôi rất vui khi tham gia chia sẻ kinh nghiệm trong buổi hội thảo này”. Ông bày tỏ tin tưởng dự thảo luật chuyển đổi giới tính của Việt Nam là một cơ hội thực sự để mở rộng việc bảo vệ pháp lý cho cộng đồng người chuyển đổi giới tính.