Thị trường bảo hiểm gần đây xuất hiện nhiều trường hợp gây mất lòng tin với khách hàng như nhân viên ngân hàng nhập nhằng khi tư vấn bảo hiểm, nhân viên bảo hiểm tư vấn không rõ ràng thời hạn hợp đồng…
Dù vậy, một sự thật không thể phủ nhận là tham gia bảo hiểm nhân thọ là giải pháp tốt để duy trì nguồn tài chính trước rủi ro tai nạn, bệnh tật… Tuy nhiên, mua bảo hiểm bao nhiêu và chọn bảo hiểm ra sao thì không phải ai cũng biết.
Dưới đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thu Giang – chuyên gia của FIDT – đơn vị tư vấn đầu tư và quản lý tài sản tại Việt Nam. Bà Giang cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm.
20 tuổi, 30 tuổi, 40 tuổi thì nên mua bảo hiểm thế nào?
Thực tế, bảo hiểm là gói sản phẩm dài hạn, có thể lên tới hàng chục năm do đó nên đặt ra chiến lược phân bổ thu nhập cho sản phẩm bảo hiểm. Vậy khoản tiền trích cho bảo hiểm có nên đồng đều mỗi năm hay tùy từng giai đoạn?
– Đầu tiên, mọi người cần ý thức được rằng khả năng kiếm tiền của bản thân mình là một loại tài sản, không những thế là tài sản quan trọng.
Nguyên tắc là tài sản càng quan trọng, chúng ta càng nên có ý thức quản trị rủi ro cho nó. Khi chúng ta còn trẻ, phần lớn tài sản của ta là vô hình. Dần dần qua thời gian, các tài sản này sẽ được tích lũy lại thành tài sản tài chính hay bất động sản. Nhưng đối với người trẻ thì đó là câu chuyện tiềm năng, câu chuyện tương lai.
Mặt khác, việc quản trị rủi ro luôn song hành cùng với nghĩa vụ tài chính, cụ thể là đối với những người phụ thuộc, những người thân mà nếu không còn nguồn thu nhập từ chúng ta thì sẽ trở nên dễ tổn thương về tài chính trong ngắn và dài hạn. Dài hạn ở đây hoàn toàn có thể là 10 năm, 20 năm hoặc hơn thế nữa. Nếu người phụ thuộc là trẻ em thì từ khi sơ sinh cho đến đủ 18 tuổi. Nếu người phụ thuộc là người cao tuổi thì từ khi nghỉ hưu đến lúc qua đời. Bảo hiểm với vai trò là để bảo vệ nguồn thu nhập trong tương lai thì quan trọng ở người trẻ và trung niên và không còn quan trọng với người già.
Tuy nhiên, ngoài việc bảo vệ thu nhập thì bảo hiểm còn có vai trò hạn chế phát sinh chi phí về y tế, điều trị tai nạn, bệnh hiểm nghèo cho các thành viên trong gia đình. Ở điểm này thì nó phụ thuộc vào độ tuổi, sức khỏe của những người phụ thuộc.
Nếu muốn thiết lập lưới bảo vệ đủ tốt cho tất cả thành viên trong gia đình thì chắc chắn phí bảo hiểm sẽ rất cao, nên ở đây cần phải cân nhắc xem gia đình ưu tiên cho gia tăng tài sản hay bảo vệ tài chính; nếu giới hạn về chi phí bảo hiểm thì cần xem ưu tiên quyền lợi bảo vệ cho đối tượng nào, ví dụ như ưu tiên người già và trẻ em dưới 3 tuổi.
Theo bà, có nên cân nhắc tăng hoặc giảm tỷ lệ thu nhập dành cho bảo hiểm? Nên lựa chọn các gói bảo hiểm tùy theo độ tuổi ra sao?
– Ở độ tuổi 2x, khi vừa tốt nghiệp ra trường và có thu nhập, chưa kết hôn và chưa có gia đình thì đa số bạn trẻ chưa cần trang bị bảo hiểm nhân thọ cho mình.
Tuy nhiên, có một số bạn ngay từ những ngày đầu mới ra trường đã nhận trách nhiệm hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho gia đình; là chỗ dựa, điểm tựa cho cha mẹ, người thân không được sung túc về tài chính, đặc biệt cha mẹ không có bảo hiểm xã hội hay lương hưu nào khác thì các bạn đó cần hiểu mình có người phụ thuộc, có trách nhiệm tài chính. Ở độ tuổi này, chỉ cần mua bảo hiểm nhân thọ sản phẩm chính, chưa cần mua thêm sản phẩm bổ trợ; giả sử thu nhập 10 triệu đồng/tháng vẫn có thể trích 6% thu nhập của năm để mua gói bảo hiểm phí 7,2 triệu đồng với số tiền bảo hiểm dưới 1 tỷ đồng.
Đến độ tuổi 3x, khi đã kết hôn và sinh con; lúc này trách nhiệm tài chính đã tăng lên đáng kể. Để tính toán số tiền bảo hiểm cho giai đoạn này, không nên bỏ qua những nhu cầu quan trọng nhất như nhu cầu trả nợ, chi phí thiết yếu cho những người còn lại trong vòng tối thiểu 10 năm, chi phí học hành cho các con cho đến tuổi 18…
Trước tiên, cần ưu tiên số tiền bảo hiểm đủ lớn cho các nhu cầu nói trên, có tính đến các yếu tố làm giảm nhu cầu như tài sản thanh khoản, thu nhập của vợ hoặc chồng, thu nhập thụ động… sau khi tính được mức bảo hiểm nhân thọ với sản phẩm chính đủ lớn rồi mới căn cứ vào ngân sách để mua thêm sản phẩm bổ trợ cho phù hợp.
Trong giai đoạn này, thường thu nhập sẽ tăng dần và đạt đỉnh cao khoảng 35 tuổi, nên nếu mua bảo hiểm trước đó cần dự tính mức tăng trưởng thu nhập và dự kiến thu nhập tuổi 35 để đưa ra ngân sách hợp lý. Nếu thu nhập ở tuổi 35 tăng 2 lần so với tuổi 25 thì bạn mua thêm sản phẩm bổ trợ tương đương phí đã mua ở tuổi 25. Nếu thu nhập tăng 3 lần so với tuổi 25 thì bạn nên tăng số tiền bảo hiểm hoặc bằng hợp đồng mới hoặc bằng sản phẩm bổ trợ tử kỳ. Con số 5-8% thu nhập theo năm nên được dùng để tham khảo khi tính toán ngân sách mua bảo hiểm.
Ở độ tuổi 4x, nhu cầu bảo vệ thu nhập trong tương lai bắt đầu giảm do con cái bắt đầu lớn, trách nhiệm tài chính có phần bớt đi. Tuy nhiên, phát sinh chi phí về y tế, điều trị tai nạn, bệnh hiểm nghèo sẽ tăng lên nên đây là giai đoạn giảm sản phẩm chính, tăng sản phẩm bổ trợ.
Với độ tuổi 5x, lúc này hầu như mọi người không còn nhiều nhu cầu bảo vệ thu nhập mang về trong tương lai nữa; nếu trước đây đã đóng phí hợp đồng 20 năm thì có thể dừng đóng phí, dùng số tiền tích lũy trong hợp đồng để duy trì quyền lợi bảo vệ, đặc biệt là các quyền lợi bổ trợ tai nạn, bệnh hiểm nghèo.
Mua bảo hiểm tối đa 5-10% thu nhập
Trích bao nhiêu phần trăm thu nhập mỗi năm để tham gia bảo hiểm là hợp lý?
– Khi trả lời câu hỏi trước, tôi đã đưa ra con số 5-8% thu nhập. Ở các nước phát triển, tỷ lệ mua bảo hiểm tối thiểu là 2-5%. Tuy nhiên, có 2 điểm cần lưu ý.
Một là mức sống của họ cao, có thể hiểu nếu chuyển sang nước ta sinh sống thì thu nhập đó có thể xếp là thu nhập của người giàu, và 2-5% thu nhập của người giàu là con số đáng kể nếu so với mức thu nhập trung bình và thấp.
Hai là bảo hiểm nhân thọ của họ có thể không kèm theo phần tích lũy còn ở nước ta đại đa số bảo hiểm nhân thọ đều có cấu phần tích lũy nên nếu chỉ bảo vệ đơn thuần có thể chiếm 3-4% thu nhập nhưng khi cộng thêm phần tích lũy sẽ tăng lên 5-8%.
Ngay cả mức 5-8% thu nhập này, chúng ta cũng không nên bị cứng nhắc. Ví dụ, một người có thu nhập nhiều năm ở mức 30 triệu đồng/tháng. Gần đây, thu nhập tăng đột biến lên mức 80 triệu đồng/tháng tuy nhiên thu nhập mới này chưa thật sự bền vững, ổn định thì chọn mức thu nhập để xác định ngân sách mua bảo hiểm đâu đó khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, cần xem xét tỷ lệ tiết kiệm và nhu cầu sử dụng dòng tiền thặng dư này của cá nhân và gia đình muốn ưu tiên để gia tăng tài sản hay bảo vệ tài chính.
Giả sử, tỷ lệ tiết kiệm là 30% thu nhập mà muốn tập trung để đầu tư gia tăng tài sản thì dành 25% để đầu tư, tích lũy còn 5% để mua bảo hiểm nhưng với các cá nhân và gia đình coi trọng nhu cầu bảo vệ, muốn có nhiều quyền lợi bảo hiểm thì có thể tăng ngân sách dành cho bảo hiểm lên 10% chẳng hạn.