Thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô
Ngày 20/9, tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hiện nay nội dung dự thảo Luật không còn nhiều vấn đề lớn có ý kiến khác biệt, chủ yếu là góp ý để hoàn thiện thêm quy định tại dự thảo.
Nhấn mạnh, mặc dù quy mô dự án Luật không lớn, gồm 7 chương, 59 điều nhưng Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là dự án Luật khó, tính chất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của Thủ đô trong thời gian tới.
Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Đồng thời, cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến quản trị đô thị, đặc biệt thể chế hóa được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô. Trong đó, cần lưu ý và hướng tới giải quyết được một số yêu cầu cơ bản về: Phân cấp, phân quyền; các chính sách đặc thù phải trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá; đảm bảo tính đồng bộ với nguyên tắc là tuân thủ hiến pháp và hệ thống pháp luật…
Liên quan đến điều khoản về đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, Hà Nội được Unesco vinh danh là thành phố sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo thế giới. Trong khi đó, thành phố sáng tạo chủ yếu là liên quan đến vấn đề thiết kế sáng tạo; và thiết kế sáng tạo lại dựa chủ yếu trên cơ sở làng nghề. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, rà soát để có quy định phù hợp, có thể chế để phát triển làng nghề và làng có nghề.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, rà soát để nghiên cứu bổ sung hoặc điều chỉnh một số các quy định liên quan đến xây dựng phát triển Thủ đô hành chính như quy hoạch khu vực hành chính cho các cơ quan Trung ương; bảo đảm các điều kiện cần thiết về đất đai, quản lý xây dựng, điều kiện bảo đảm cơ sở hạ tầng cho hoạt động vận hành của các cơ quan Trung ương trên địa bàn Hà Nội…
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, cần rà soát lại dự án Luật Nhà ở, dứt khoát không để hợp thức hóa “chung cư mini” trong Luật Nhà ở; rà soát quy định về bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng đất đai; thu hút đầu tư, tài chính – ngân sách…
Có phân quyền, phân cấp, ưu tiên nhưng đồng thời phải có trách nhiệm
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô và đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, Thành phố Hà Nội và các bộ, đặc biệt là Bộ Tư pháp. Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra – Ủy ban Pháp luật, các cơ quan phối hợp thẩm tra (Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội) cũng đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hồ sơ dự thảo Luật, đảm bảo đầy đủ, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đúng tiến độ của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản tán thành với hồ sơ và các nội dung cơ bản đã trình tại Phiên họp. Đồng thời lưu ý, đây là một đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, khó về các nội dung chuyên môn và khó cả về kỹ thuật lập pháp, vì vậy cần phải tiếp tục phối hợp để hoàn thiện tốt hơn trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ và các yêu cầu đặt ra để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, cần phải bám sát cơ sở chính trị, pháp lý và yêu cầu thực tế.
Nhấn mạnh đây là đạo luật riêng quy định cho Thủ đô Hà Nội, vừa là Thủ đô hành chính của cả nước, vừa là một đô thị đặc biệt của cả nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, quy định các cơ chế riêng, ưu đãi đặc thù, đặc biệt vượt trội so với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, cũng là các quy định giao trách nhiệm lớn cho Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật Thủ đô (sửa đổi) vẫn phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan. Ngoài Luật Thủ đô, Hà Nội vẫn phải thực hiện toàn bộ các quy định có liên quan của hệ thống pháp luật.
Về áp dụng Luật Thủ đô, lưu ý cần có quy định điều khoản cụ thể, phù hợp, thuận tiện cho việc áp dụng Luật Thủ đô trong hệ thống pháp luật nhưng vẫn phải bảo đảm đúng các nguyên tắc cơ bản trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện các nội dung cơ bản về: các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, ưu tiên đối với Hà Nội trong vấn đề phân quyền, phân cấp, ưu tiên và trách nhiệm. Đồng thời, xác định mỗi cơ chế, chính sách thì có phân quyền, có phân cấp, có ưu tiên nhưng đồng thời phải có trách nhiệm; Rõ cơ chế đặc thù về tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế, chuyên gia, tiền lương giao cho Hà Nội; Bổ sung thêm các nội dung cụ thể trong yêu cầu phát triển về trung tâm thiết kế, sáng tạo làng nghề; làng có nghề; công nghiệp văn hóa; khoa học, công nghệ kỹ thuật; quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo; quy hoạch sông Hồng…