Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (NHNN), đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức xác thực điện tử eKYC đang lưu hành.
8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng thanh toán qua mã QR cũng rất mạnh về số lượng với mức tăng khoảng 50 – 60% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh dịch vụ thanh toán qua mã QR đã đi vào cả những thanh toán quy mô nhỏ hơn, đồng nghĩa với việc người dân đã chấp nhận thanh toán qua mã QR trong mọi mặt của đời sống.
Theo ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), dịch vụ thanh toán sẽ được tích hợp đầy đủ hơn vào hệ sinh thái số trong hoạt động mở và phát hành thẻ, trong đó có việc xác thực danh tính người dùng và xác thực giao dịch. Thông qua đó, toán trực tuyến và thanh toán qua thẻ sẽ trở nên an toàn hơn và thuận tiện hơn.
“NHNN đang tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Sắp tới Chính phủ sẽ lấy ý kiến rộng rãi để ban hành Nghị định trong quý 4, qua đó tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc hơn trong TTKDTM”, ông Dũng nói.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đang tập trung hoàn thiện Thông tư hướng dẫn, qua đó tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức cung ứng và gắn với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời triển khai quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu trong Đề án phát triển TTKDTM.
Có thể thấy, sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây.
Số liệu thống kê qua hệ thống cho thấy, đến hết quý II/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với cùng kỳ.
Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý II/2023 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ.
Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng, NAPAS đã chuẩn hoá hệ thống công nghệ. Hệ thống máy móc, thiết bị cũng đảm bảo thanh toán thông suốt 24/7 trong bất cứ thời gian nào, kể cả ngày nghỉ lễ tết kéo dài.
Các ngân hàng thành viên cũng đã đồng nhất về mặt công nghệ trong thanh toán để đảm bảo an ninh, an toàn, hệ thống đường truyền.
Theo ông Hưng, trước đây, người dùng sử dụng mã OTP xác thực giao dịch một lần, tuy nhiên có tình trạng tội phạm thuê, mua tài khoản để thực hiện mục đích lừa đảo. Với công nghệ hiện nay, thông qua sinh trắc học sẽ giúp hành vi lừa đảo không thể được thực hiện trên tài khoản thuê, mua.
“Xác thực sinh trắc học sẽ giúp chỉ ra chính xác ai là người sử dụng tài khoản, ai là người xác thực giao dịch. Cùng với nỗ lực của các Bộ, ngành, thông qua việc tuyên truyền, ứng dụng công nghệ, chúng ta sẽ khắc phục triệt để vấn nạn lừa đảo trực tuyến”, ông Hưng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Hưng, thẻ nội địa NAPAS ra mắt lần đầu tiên tháng 1/2021, đến nay đã có hơn 800.000 thẻ được phát hành.
Ngoài tính năng thanh toán dịch vụ và rút tiền mặt thông qua mã QR, NAPAS đặt tham vọng biến tấm thẻ này thành “tấm thẻ quốc dân” khi phổ cập đến đông đảo người dân.
Thậm chí thông qua tấm thẻ này, người dân có thể được cấp tín dụng tiêu dùng từ những khoản vay ngân hàng một cách đơn giản, thuận tiện.
Ngoài ra, NAPAS sẽ tiếp tục triển khai giải pháp chấp nhận thẻ thông qua việc biến mỗi chiếc điện thoại thông mình thành một máy POS (Tap to Phone). Chỉ cần với một chiếc điện thoại thông minh sẽ có thể thay thế cho máy POS. Như vậy, việc chấp nhận thanh toán thẻ sẽ dễ dàng hơn, từ các cửa hàng nhỏ lẻ cho đến những gánh hàng rong.
“Hy vọng rằng với giải pháp từ phía phát hành thẻ và bên chấp nhận thẻ, phương thức TTKDTM sẽ phát triển hơn nữa và thúc đẩy phát triển tài chính tiêu dùng”, ông Hưng nói.
Tuân Nguyễn