Đó là quán ăn của gia đình dì Hai (61 tuổi), vừa mở bán dì đã làm không kịp nghỉ tay vì khách ghé liên tục. Có gì hấp dẫn trong tô hủ tiếu ở đây, ngoài mức giá?
“Hai ơi! Hai ơi!…”
Trưa trưa, tôi tìm tới quán của dì Hai nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Tôn Đản (Q.4). 11 giờ, dì Hai bắt đầu dọn hàng, khách ngồi kín bàn cũng như đứng chờ mua về đông nghẹt.
Quán ăn bình dân nằm trong không gian gia đình ấm cúng, với gần chục cái bàn và ghế nhựa. Hầu như, khách nào tới cũng mở đầu bằng cách gọi món đầy thân thương: “Hai ơi! Cho con tô…” như thế đã quen thuộc từ lâu.
Gần 3 tiếng ngồi ở quán, tôi để ý thấy người tới đây ăn chủ yếu là người lao động sống gần hẻm, học sinh, sinh viên… Theo đó, hết đợt khách này tới đợt khách khác tìm tới khiến cho bà chủ không một phút ngơi nghỉ.
Dì Hai, vã mồ hôi làm món theo yêu cầu của khách. Vì cũng đã có tuổi, nên dì làm món không quá nhanh, dù vậy, không có khách nào hối vì cảm thông cho bà chủ. Trong khi đó, con trai dì là anh Tí thì phụ mẹ tiếp khách, nhận đơn, đem món ra cho khách. Còn chồng dì, cụ ông tóc đã bạc trắng ngồi ở một góc trong quán phụ công việc dọn dẹp, rửa chén.
[CLIP]: Hủ tiếu dì Hai ‘5.000 đồng cũng bán’ ở TP.HCM.
Quán ăn dì Hai nổi tiếng khu Tôn Đản xưa nay vì bán đồ ăn với mức giá quá bình dân, phù hợp với người lao động, học sinh, sinh viên. Không chỉ bán hủ tiếu, dì còn bán thêm mì, bánh canh, bún, nuôi… với đủ loại nguyên liệu ăn kèm cho khách thoải mái lựa chọn. Đó là lý do mà ông Hà Tô Phúc (56 tuổi, ngụ Q.4) làm “khách ruột” ở đây suốt mười mấy năm qua.
Hôm nay, ông tới đây ăn gọi món hủ tiếu đầy đủ giá 30.000 đồng quen thuộc, cũng gọi thêm một phần bánh canh 15.000 đồng mang về. “Quán ở đây món nào ăn cũng ngon, giá thì rẻ, mua 5.000 bà chủ cũng bán 5.000 đồng.
Thêm nữa là bà chủ chiều khách lắm, dặn sao, muốn sao cũng được. Hầu như tuần nào tôi cũng ăn ở đây, ít thì 3 – 4 ngày, nhiều thì ăn hết tuần”, ông cười, thưởng thức phần ăn khoái khẩu.
Trong khi đó, chị Ngọc Hà (21 tuổi, ngụ Q.4) cho biết từ hồi lên thành phố đi học, rồi ở nhà người thân khu này, chị vô tình biết tới quán của dì Hai thông qua mạng xã hội nên ghé ăn thử. Vì mức giá “quá hời” so với mặt bằng chung, cộng thêm việc gần nhà nên chị thường ghé ăn.
Vị khách cho biết mình thích nhất món hủ tiếu khô và món bánh canh. “Có những ngày cuối tháng, mình ghé dì Hai mua phần bánh canh 15.000 đồng, xin thêm nhiều nhiều bánh ăn cho no, dì cũng vui vẻ làm cho mình. Vật giá leo thang, nhiều quán khác mình từng ăn cũng tăng nhưng quán dì thì vẫn vậy”, chị nói thêm.
Lấy số lượng làm lời
Suốt 3 tiếng đồng hồ kể từ lúc mở bán, khách ghé liên tục khiến cho dì phải tập trung cao độ. 14 giờ chiều, khách vơi dần, bà chủ mới có chút thời gian tâm sự cùng tôi. Dì Hai cho biết hồi còn trẻ, bà phụ nấu cơm cho người làm công trình. Ngoài 30 tuổi, dì quyết định mở quán ăn bình dân này để kiếm kế sinh nhai, cùng chồng nuôi 3 người con.
“Ban đầu, mới mở, cũng chưa có nhiều người biết tới mình. Tôi cũng bắt đầu bằng con số 0, tự tìm tòi, tự học hỏi, nghề dạy nghề mới nấu ngon hơn. Dần dần, khách mới ủng hộ đông cho tới bây giờ”, bà chủ nhớ lại.
Dì Hai cho biết ở đây, mỗi phần ăn của quán có giá dao động từ 15.000 – 30.000 đồng, tùy món. Tuy nhiên, nhiều người khó khăn tới mua phần 5.000 đồng, 10.000 đồng, dì cũng có bán.
“Mình bán rẻ để người lao động người ta ăn, chứ bán mắc quá đâu có được. Xưa tới giờ, tôi lấy số lượng làm lời, chứ không phải bán giá cho cao để lấy lời nhanh. Nhiều khách người ta gắn bó với mình suốt mấy chục năm nay, sao mà nỡ bán mắc”, bà chủ đôn hậu.
Quán đa dạng món cho khách chọn, không sợ ngán. Quán nằm ở số 266/98 Tôn Đản.
Vốn thích mì, tôi gọi một tô mì đầy đủ giá 30.000 đồng. 10 phút sau, chờ qua 4 – 5 lượt khách, mới tới tôi, tô mì nóng hổi đã nằm gọn trên bàn. Sợi mì dai dai cùng các nguyên liệu như thịt, lòng heo, tôm… ngập trong nước lèo đậm đà, được rắc lên một ít tiêu, tỏi phi kèm nước chấm đặc trưng của quán, với mức giá này, tôi không có gì để chê.
Cá nhân tôi, chấm hương vị món ăn 8/10. Quả thật, những món ăn bình dân nằm sâu trong những con hẻm nhỏ ở TP.HCM luôn mang lại cho thực khách nhiều điều thú vị và bất ngờ.
Quán ăn nhỏ này không chỉ là kế sinh nhai, là chén cơm của gia đình dì Hai mà còn là nơi làm no bụng nhiều thực khách ở TP.HCM, đặc biệt trong những ngày khó khăn, ‘bão giá’.
Bà chủ cho biết sẽ tiếp tục bán, tới khi nào không còn sức nữa, mới thôi. Bởi, ở độ tuổi này, niềm vui và hạnh phúc của dì Hai chính là làm những phần ăn tâm huyết dành cho những thực khách gần xa ghé đây ủng hộ…