Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã có cuộc phỏng vấn Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko về những dấu mốc đáng nhớ trong quan hệ song phương, động lực giúp hai nước đạt được các bước tiến ngoại giao, những điểm mạnh cần phát huy, triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko. Ảnh: TTXVN phát
Theo bà, trong 50 năm xây dựng quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, có những dấu mốc nào đáng nhớ trong quá trình này?
Trong 50 năm qua, hai nước chúng ta đã phát triển quan hệ trên mọi lĩnh vực nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của những người đi trước. Cho đến nay, đã có nhiều cột mốc quan trọng, bao gồm việc khởi động lại toàn diện viện trợ phát triển chính thức (ODA) vào năm 1992; Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Nhật Bản vào năm 1993 khởi đầu cho các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước; chuyến thăm đến Việt Nam vào năm 2017 của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Nhật Bản (hiện nay là Thượng Hoàng và Thượng Hoàng Hậu Nhật Bản) và sự hợp tác giữa hai nước trong các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19 từ năm 2019.
Một trong những cột mốc quan trọng nhất đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới được đánh giá là tốt đẹp nhất trong lịch sử hiện nay chính là việc nâng cấp lên “Đối tác chiến lược sâu rộng” vào năm 2014.
Nhật Bản và Việt Nam đã và đang xây dựng mối quan hệ chiến lược trên nhiều lĩnh vực hơn kể từ khi nâng cấp quan hệ vào năm 2014. Từ mối quan hệ tập trung vào hợp tác kinh tế như ODA, hợp tác đã có những bước phát triển trong các lĩnh vực liên quan đến nền tảng của đất nước như hợp tác trong lĩnh vực an ninh, năng lượng cũng như hợp tác phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, sự hợp tác làm tăng thêm sự tin cậy giữa hai nước cũng ngày càng đi vào chiều sâu.
Năm nay, đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước khẳng định sẽ nâng mối “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng” lên tầm cao hơn. Cùng với nhiều sự kiện kỷ niệm được tổ chức ở cả hai nước, Hoàng Thái Tử Akishino và Công nương cũng thăm Việt Nam và chuyến thăm này sẽ làm sâu sắc thêm tình hữu nghị và thân thiện giữa hai nước. Tôi tin tưởng rằng năm 2023 sẽ là cột mốc quan trọng trong 50 năm tới của cả hai nước.
Hiện nay, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt đến mức Đối tác chiến lược sâu rộng. Theo bà, động lực nào khiến hai nước có bước tiến vượt bậc trong quan hệ ngoại giao như vậy?
Tình hữu nghị và sự tin cậy dựa trên hoạt động giao lưu nhân dân được vun đắp qua nhiều năm là động lực thúc đẩy quan hệ song phương phát triển.
Giao lưu nhân dân giữa hai nước bắt đầu từ chuyến viếng thăm Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8 của một nhà sư Việt Nam. Sau đó, vào thế kỷ 17, khi các tuyến giao thương giữa hai nước được mở ra, nhiều thương nhân Nhật Bản đã sinh sống ở Hội An. Đến thế kỷ 19, nhiều người Việt Nam đến Nhật Bản học tập trong phong trào Đông Du. Từ những sự giao lưu đó, tình hữu nghị bền chặt đã được phát triển giữa nhân dân hai nước. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt được thành lập vào năm 1978. Đây là một hội hữu nghị có lịch sử hoạt động vô cùng sôi nổi cho đến ngày nay. Sự giao lưu giữa nghị sĩ hai nước, quan hệ tin cậy và hữu nghị giữa hai Quốc hội đã góp phần to lớn vào sự phát triển quan hệ song phương.
Cho đến nay, trao đổi cấp cao giữa hai nước diễn ra tích cực, trong đó có nhiều chuyến thăm mang tính lịch sử. Chuyến công du nước ngoài cuối cùng của Nhà Vua Akihito và Hoàng hậu là đến Việt Nam. Sự giao lưu trải dài qua nhiều năm đã củng cố niềm tin giữa hai nước. Có nhiều người ở Nhật Bản và Việt Nam có tình bạn bền chặt và tình cảm nồng nàn bày tỏ sự nhiệt tình mong muốn hợp tác vì lợi ích của mỗi nước. Đây cũng là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của mối quan hệ song phương.
Bà đánh giá thế nào về thành tựu hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong 50 năm qua? Đâu là những điểm mạnh cần phát huy?
Sau 50 năm hợp tác, Nhật Bản và Việt Nam đã xây dựng được mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và trở thành đối tác tin cậy lẫn nhau.
Sau khi ODA được nối lại một cách toàn diện vào năm 1992, quan hệ giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng. Dựa trên quan điểm rằng sự tăng trưởng của Việt Nam sẽ không chỉ dẫn đến sự tăng trưởng của chính Việt Nam mà còn dẫn đến sự phát triển của toàn khu vực và sự phát triển của Nhật Bản. Nhật Bản, với tư cách là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, bến cảng và sân bay, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Nhật Bản đã và đang nỗ lực phát triển “cơ sở hạ tầng chất lượng cao”, đồng thời thực hiện chuyển giao công nghệ để người dân Việt Nam có thể tự phát triển cơ sở hạ tầng.
Tôi tin rằng thông qua sự hỗ trợ như vậy, chúng tôi đã có thể tạo được niềm tin với người dân Việt Nam vào Nhật Bản và công nghệ Nhật Bản. Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam có đoạn đi ngầm, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, đang được xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Việc Nhật Bản có thể hợp tác với một dự án lớn như vậy là một niềm tự hào và chúng tôi hy vọng rằng cuộc sống của người dân Việt Nam sẽ được cải thiện nhờ công nghệ Nhật Bản.
Việt Nam là cơ sở sản xuất quan trọng của các công ty Nhật Bản và là một trong những điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn. Đặc biệt, khi các công ty Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Việt Nam ngày càng thu hút nhiều sự chú ý. Sự tăng trưởng của Việt Nam sẽ gắn liền với sự phát triển của Nhật Bản. Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, giúp xây dựng một xã hội bao trùm và tiếp tục cùng nhau phát triển.
Theo Ngoại trưởng, hai nước nên làm gì để phát triển hơn nữa mối quan hệ trong thời gian tới? Tới đây hợp tác Việt Nam – Nhật Bản sẽ phát triển mạnh mẽ trong những lĩnh vực nào và tại sao?
Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đang được tăng cường trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt cần tăng cường hợp tác về giao lưu nhân dân, quan hệ kinh tế và các lĩnh vực tiên tiến.
Về giao lưu nhân dân, hai nước cần hợp tác chặt chẽ để khoảng 500.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản có thể đóng vai trò tích cực hơn nữa trong xã hội sở tại. Khi số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng lên, số lượng nhà hàng, cửa hàng tạp hóa Việt Nam ở Nhật Bản cũng tăng lên, cơ hội tiếp xúc với người Việt cũng tăng lên, khiến Việt Nam trở thành một đất nước rất thân thiện với người Nhật Bản.
Mặt khác, thực trạng hiện nay, tội phạm người Việt Nam tại Nhật Bản tăng lên và một bộ phận thực tập sinh kỹ năng bị rơi vào môi trường khó khăn. Chúng tôi mong muốn tăng cường hơn nữa những nỗ lực giữa Nhật Bản và Việt Nam để đảm bảo tình trạng này không ảnh hưởng đến mối quan hệ hữu nghị giữa chúng ta và để người Việt Nam cảm thấy hài lòng khi đến Nhật Bản làm việc.
Ngoài ra, về quan hệ kinh tế, tạo ra một môi trường đầu tư khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân giữa Nhật Bản và Việt Nam là điều quan trọng. Tôi tin rằng một mối quan hệ kinh tế chín muồi có nghĩa là các công ty có thể tiến hành các hoạt động kinh tế lành mạnh ở quốc gia của nhau mà không cần sự can thiệp của chính phủ. Các công ty Nhật Bản sẽ ngày càng mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Điều cần thiết cho sự phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước trở thành chín muồi là chính phủ phối hợp và thiết lập một môi trường đầu tư giúp tạo ra mối quan hệ đôi bên cùng có lợi cho các công ty của hai nước, cũng như có lợi cho hai quốc gia.
Thêm vào đó, tôi cho rằng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường và năng lượng sạch để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ và hợp tác sử dụng công nghệ mới nhất cũng có vai trò rất quan trọng. Tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực này vẫn còn nhiều. Tôi tin tưởng rằng mối quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ càng trở nên khăng khít hơn khi sự hợp tác của chúng ta ngày càng sâu rộng trong các lĩnh vực tiên tiến.
Bà đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác trong thời gian tới giữa hai nước, không chỉ trong quan hệ song phương mà còn trên các diễn đàn quốc tế, đa phương?
Cộng đồng quốc tế đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử, không chỉ những xung đột địa chính trị mà các vấn đề toàn cầu cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Khi tầm quan trọng của việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên thượng tôn pháp luật tiếp tục gia tăng, tầm quan trọng của hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trên trường quốc tế và các diễn đàn đa phương đang tăng lên.
Nhật Bản và Việt Nam có chung lợi ích chiến lược. Đối với Nhật Bản, Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc hiện thực hóa “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, cũng đã xây dựng AOIP (Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) tương tự và đang theo đuổi sự thịnh vượng trong khu vực theo cùng một hướng. Việt Nam có vị trí quan trọng về mặt địa chính trị và kinh tế ở Đông Nam Á, khu vực năng động nhất thế giới và đang ngày càng gia tăng sự hiện diện trong cộng đồng quốc tế.
Trong tình hình quốc tế ngày càng phức tạp hiện nay, những người bạn tin cậy trong khu vực là sự hiện diện quan trọng và không thể thay thế. Việc phối hợp chặt chẽ với Việt Nam lên tiếng tại các diễn đàn quốc tế và đa phương nhằm đạt được hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, trong đó có thúc đẩy nhà nước thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, tự do thương mại và tăng cường kết nối khu vực là công việc vô cùng quan trọng.
Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trên trường quốc tế.
Trân trọng cảm ơn Ngoại trưởng!
baotintuc.vn