Anh Hoàng Anh Tú (36 tuổi, thôn Thọ Lộc, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) từng làm quản lý khách sạn ở Hà Nội với mức lương ổn định. Năm 2015, do vợ thường xuyên đau ốm, để có thời gian chăm sóc vợ anh phải về quê để lập nghiệp.
“Khi quyết định về quê ai cũng can ngăn. Bố mẹ bảo công việc đang ổn định về quê chỉ thêm vất vả. Vì đã có kế hoạch, dự định từ trước nên tôi lựa chọn sẽ về quê khởi nghiệp nuôi gà đẻ trứng”, anh Tú chia sẻ.
Từ dân kinh doanh chuyển qua làm nông dân, bước đầu khởi nghiệp của chàng trai trẻ gặp không ít vất vả. Tận dụng lại mảnh đất sau nhà, anh vay vốn ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư 300 con gà giống, xây dựng chuồng trại nuôi gà theo hướng bán công nghiệp.
Lứa gà đầu tiên anh thành công ngoài mong đợi, cho thu nhập 24 triệu đồng. Bước đầu có vẻ “thuận buồm xuôi gió”, anh Tú quyết định nâng quy mô trang trại từ 300 lên 2.000 con gà lông màu. Giống gà này mang lại cho anh thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, do giá cả thị trường của giống gà lông màu bấp bênh nên không ít lần anh Tú thua lỗ. “Năm 2019, tôi lỗ khoảng 300 triệu đồng do giá cả thị trường xuống thấp, trong khi chi phí vật tư đầu vào tăng cao”, anh Tú cho hay.
Cùng thời điểm này, anh Tú quyết định đầu tư thêm 2.500 con gà siêu trứng Ai Cập. Áp dụng nuôi cả hai giống gà cùng một lúc giúp anh cân bằng được nguồn thu nhập và bù trừ các khoản lỗ.
“Nuôi gà thịt như đánh bạc, khi được giá thì trúng lớn, còn trượt giá sẽ lỗ. Vì vậy tôi nuôi đan xen cả hai loại để bù lỗ cho nhau. Gà thịt rất bấp bênh, còn nuôi gà đẻ trứng, sản phẩm có thể bán liên tục trong năm, người nông dân ít chịu áp lực về giá cả thị trường, lúc lãi bù lúc lỗ nên vẫn có thu nhập”, anh Tú cho hay.
Theo anh Tú, gà Ai Cập có đặc thù trứng to, đều, một con gà có thể cho sản lượng trứng đạt 250-270 quả/năm. Vì vậy mà từ năm 2021 anh chuyển hẳn sang nuôi gà đẻ trứng Ai Cập.
Hiện quy mô trang trại của anh có khoảng 8.000 con, trung bình một ngày xuất bán ra thị trường khoảng 5.000 quả trứng, với giá bán 2.500 đồng/quả trứng như hiện nay, trừ chi phí anh lãi khoảng 3 triệu đồng/ngày.
Nói về kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng Ai Cập, anh Tú cho hay, quá trình chăn nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các khâu từ chọn giống, chăm sóc, vệ sinh tiêu độc, khử trùng đều phải thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.
“Trước tiên phải chọn con giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quá trình nuôi con gà phải được tiêm phòng ngay từ đầu. Một con gà từ khi nuôi đến khi đẻ trứng phải tiêm khoảng 10 lần vaccine mới đảm bảo an toàn dịch bệnh”, ông chủ trang trại cho hay.
Bên cạnh đó, chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, hiện anh nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học.
Tại chuồng trại, anh sử dụng đệm lót sinh học và phun thuốc khử trùng định kỳ để đảm bảo môi trường sống cho gà. Nguồn chất thải cũng được kiểm soát chặt chẽ từ quá trình thải ra, thu gom, đến khâu đóng bao bì và vận chuyển.
Ngoài phát triển kinh tế giỏi, anh Tú còn liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho bà con trong xã với mong muốn cùng nông dân làm giàu.
Ngoài ra, trang trại của anh Tú còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương với mức lương 7,5 triệu đồng/người/tháng. Vào vụ cao điểm thu hoạch, tại trang trại của anh có thêm 5 nhân công.
Nói về dự định tương lai, anh Tú cho biết anh đang ấp ủ mở rộng quy mô trang trại lên khoảng 1ha, nâng tổng số đàn gà lên 2 vạn con.
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Lĩnh, cho biết mô hình nuôi gà đẻ trứng Ai Cập của gia đình anh Tú là mô hình quy mô lớn đầu tiên ở địa phương.
“Anh Tú là gương hội viên hội nông dân giỏi ở địa phương. Mô hình của anh được đầu tư xây dựng khá bài bản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, anh còn hỗ trợ nhiều bà con trong xã học tập kinh nghiệm, vươn lên làm giàu. Đồng thời, trang trại của gia đình anh Tú cũng tạo công ăn việc làm cho 2 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ”, ông Thắng nói.