Lâu nay, tình trạng công chức ở phường, xã quá tải ngày càng trầm trọng khiến người dân than phiền về chất lượng phục vụ. TP.HCM có 245/312 phường, xã, thị trấn có dân số vượt tiêu chuẩn, đặc biệt có 6 phường, xã trên 100.000 dân. Dân số đông, khối lượng công việc nhiều trong khi số lượng công chức lại cào bằng. Bình quân 1 cán bộ, công chức cấp xã trên cả nước phục vụ 485 người dân, trong khi 1 công chức ở TP.HCM phục vụ đến 1.554 người dân.
TĂNG THÊM GẦN 2.200 CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
Bất cập trên được hóa giải phần nào khi Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn được HĐND TP.HCM thông qua ngày 19.9. Theo đó, cấp xã quy mô từ đủ 30.000 dân trở lên tăng thêm 1 công chức, xã từ 50.000 người trở lên tăng thêm 2 công chức và 2 người HĐKCT, xã từ 100.000 người trở lên tăng thêm 3 công chức và 3 người HĐKCT. Bên cạnh đó, địa phương đủ 50.000 dân trở lên tăng thêm một phó chủ tịch UBND cấp xã.
Với phương án trên, TP.HCM tăng thêm 52 phó chủ tịch cấp xã, 323 công chức, 1.809 người HĐKCT làm việc tại phường, xã, thị trấn. Với tổng nhân sự tăng lên 2.184 người, ước tính ngân sách giải quyết chế độ, chính sách hằng năm tăng thêm 495 tỉ đồng/năm.
Cũng liên quan đến tổ chức bộ máy, HĐND TP.HCM thông qua thí điểm thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) trên cơ sở “nâng cấp” nguyên trạng tổ chức, bộ máy, nhân sự của Ban Quản lý ATTP. Đây là Sở ATTP đầu tiên trên cả nước. Trong khi đó, cơ cấu tổ chức bộ máy của UBND TP.Thủ Đức cũng được “thiết kế” lại gồm 16 phòng ban chuyên môn, đặc biệt có Trung tâm hành chính công đầu tiên trên toàn TP.HCM.
Đây là 3 trong 9 nội dung cụ thể hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Các cơ chế còn lại gồm: trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô dưới 500 ha; tổng mức đầu tư tối thiểu dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư lĩnh vực y tế, GD-ĐT, thể thao, văn hóa; chi thu nhập tăng thêm…
Xử lý cán bộ né tránh, chần chừ
Trao đổi tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ví con tàu mang số Nghị quyết 98 đã đi được một đoạn, chở những chuyến hàng đầu tiên với linh kiện khung và thiết bị tốt nhất để TP.HCM chuẩn bị cho các công việc sắp tới. Góp sức vào những chuyến hàng đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, gấp rút của các ĐB, các ban chuyên trách HĐND TP.HCM.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, hoạt động giám sát là chức năng, nhiệm vụ cơ bản của HĐND. Thời gian qua, công tác giám sát ngày càng đi vào trọng tâm, có kết luận kịp thời, phục vụ yêu cầu chính trị, từng bước nâng cao thực chất, hiệu lực, hiệu quả. “Các cuộc giám sát ngày càng chặt chẽ, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tiêu cực, chần chừ, do dự, tránh né trong bộ máy, nhất là bộ máy hành chính các cấp”, ông nói thêm.
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, trong các cuộc hội họp, kiểm tra, giám sát, mỗi người tham dự đều có một phận sự, cũng có người đảm nhiệm 2 – 3 vai. Dù vậy, mỗi người phải làm đúng, làm tốt, “đúng vai, thuộc bài” theo vị trí công tác của mình. “Tôi phát hiện có đồng chí có lúc không đúng vai, không thuộc bài. Xách cặp đi họp nhưng khi hỏi nội dung lại không biết để trả lời”, Bí thư Nguyễn Văn Nên dẫn chứng, đồng thời đề nghị HĐND TP.HCM tập trung giám sát việc thực hiện Nghị quyết 98, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của nửa nhiệm kỳ còn lại.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại biểu (ĐB) Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND TP.HCM, cho rằng lãnh đạo các địa phương phải chủ động phân bổ, giao nhiệm vụ cho các nhân sự tăng thêm cụ thể, rõ ràng, tránh chồng chéo. Quan trọng nhất là phải đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho dân, doanh nghiệp, khẩn trương xử lý các vụ việc, không để phiền hà cho dân.
Về thu nhập tăng thêm, ĐB Đức nhìn nhận đây là hình thức góp phần động viên để cán bộ, công chức yên tâm công tác, cống hiến hết mình. Theo nghị quyết mới, số lượng đơn vị thụ hưởng được mở rộng thêm một số cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn TP và một số hội, đoàn thể đặc thù. Tương tự, số lượng cán bộ, công chức, người lao động thụ hưởng cũng tăng thêm. ĐB Đức cho rằng các đơn vị phải đánh giá hiệu quả công việc sát thực tiễn, đảm bảo khách quan, tránh cào bằng theo kiểu người làm công việc giản đơn, năng suất thấp cũng hưởng bằng mức người làm công việc phức tạp, năng suất cao.
GIAO THÔNG CỬA NGÕ BỚT KẸT XE?
Chiều qua 19.9, HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 87 dự án (DA) đầu tư công với tổng mức đầu tư lên đến 39.000 tỉ đồng. Các DA trải đều trên nhiều lĩnh vực như giao thông, cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng trường học, bệnh viện, mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cấp trung tâm văn hóa, cải tạo nghĩa trang.
Đặc biệt, danh mục 5 DA đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) được thông qua mang theo nhiều kỳ vọng giúp bức tranh giao thông cửa ngõ bớt ùn tắc. 5 DA đầu tư giai đoạn 2023 – 2028 gồm: nâng cấp, mở rộng QL13, QL1; cải tạo, nâng cấp QL22; nâng cấp đường trục Bắc – Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên. Tổng mức đầu tư của 5 DA này khoảng 37.000 tỉ đồng, trong đó có những DA đã có từ hơn 20 năm trước nhưng chưa thể triển khai vì thiếu nguồn lực.
Thu phí vỉa hè phải minh bạch
Chiều cùng ngày, HĐND TP.HCM biểu quyết thông qua nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, tùy theo khu vực mà dao động từ 20.000 – 350.000 đồng/m2/tháng, dự kiến áp dụng từ tháng 1.2024.
TS Trần Quang Thắng, ĐB HĐND TP.HCM, cho rằng ở một đô thị đất chật, người đông như TP.HCM thì chính quyền phải tìm ra điểm cân đối, hài hòa lợi ích giữa các nhóm dân cư. Trên vỉa hè, người lao động mua bán, mưu sinh nhưng cũng cần tôn trọng lợi ích chung, giữ lề đường thông thoáng.
Vị ĐB này khuyến nghị việc thu phí phải đảm bảo 2 yếu tố: ATTP và lòng đường, vỉa hè thông thoáng. Trong đó, các trường hợp mua bán thực phẩm phải bảo đảm ATTP, đủ tiêu chí mới được cấp giấy phép cho thuê. “Các tiêu chí phải được xây dựng nghiêm túc ngay từ đầu, dù khó khăn nhưng vẫn phải làm. Việc tổ chức thu phí phải khách quan, minh bạch, gắn trách nhiệm với người thi hành công vụ”, TS Trần Quang Thắng góp ý thêm.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết toàn thành phố có 107 tuyến đường trên cao và đường trục chính có thể áp dụng hình thức BOT, nhưng do thời gian thí điểm chỉ 5 năm nên Sở ưu tiên các DA cấp bách. Từng DA được lựa chọn theo 5 tiêu chí: tính chất quan trọng, giải quyết ùn tắc giao thông, khả năng hoàn vốn, mức vốn tham gia của nhà đầu tư, khả năng đóng góp ngân sách của TP.HCM.
Trả lời câu hỏi của ĐB về mức phí và đối tượng thu phí, ông Lâm cho biết vấn đề này sẽ được đơn vị tư vấn nghiên cứu và xác định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, mức phí phụ thuộc vào khả năng đóng góp của ngân sách, nếu ngân sách đóng góp nhiều thì thời gian thu phí và mức phí sẽ thấp. Sở GTVT sẽ phối hợp các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ, trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư 5 DA trên vào kỳ họp giữa năm 2024.