Đại học Princeton được đánh giá là trường tốt nhất nước Mỹ năm thứ 13 năm liên tiếp, theo xếp hạng của US News.
US News and World Report ngày 17/9 công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ năm 2024. Vị trí của các đại học hàng đầu gần như ổn định so với năm ngoái.
Chiếm giữ năm vị trí đầu tiên vẫn là những cái tên quen thuộc, gồm Đại học Princeton, Đại học Stanford, Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Yale.
Trong đó, Đại học Princeton giữ vị trí số 1, theo sau là MIT, không thay đổi so với năm trước. Đại học Harvard và Stanford cùng giữ nguyên vị trí thứ ba, trong khi Đại học Yale – đồng hạng ba năm ngoái, tụt xuống hạng năm.
Đại học Pennsylvania tăng một hạng lên vị trí thứ 6, theo sau là Đại học Duke và Viện Công nghệ California cùng hạng 7. Đại học Brown có bước nhảy lớn nhất, từ hạng 13 lên hạng 9, cùng vị trí với Đại học Northwestern, tăng một hạng. Cũng ở vị trí thứ chín là Đại học Johns Hopkins, nhưng trường này đã rớt hai hạng so với năm ngoái.
Tất cả đại học trong top 10 đều là trường tư. Học phí các trường này dao động từ 54.000-68.000 USD (1,3-1,65 tỷ đồng) mỗi năm.
Xếp hạng |
Trường |
Học phí (USD/năm) |
1 |
Đại học Princeton |
59.700 |
2 |
Học viện Công nghệ Massachusetts |
59.750 |
3 |
Đại học Harvard |
54.300 |
3 |
Đại học Stanford |
20.600/quý |
5 |
Đại học Yale |
64.700 |
6 |
Đại học Pennsylvania |
58.600 |
7 |
Viện Công nghệ California |
60.800 |
7 |
Đại học Duke |
63.500 |
9 |
Đại học Brown |
68.200 |
9 |
Đại học Johns Hopkins |
62.800 |
9 |
Đại học Northwestern |
64.900 |
Bảng xếp hạng cao đẳng và đại học Mỹ của US News ra đời từ năm 1983, là nguồn tham khảo phổ biến của nhiều học sinh, bên cạnh hai bảng xếp hạng QS và THE.
Năm nay, US News xếp hạng tổng cộng 1.500 trường, theo 19 tiêu chí. Trọng số của mỗi tiêu chí khác nhau, tùy thuộc vào đại học đó có sử dụng điểm SAT/ACT trong tuyển sinh hay không. Trong số này, điểm tự đánh giá và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp vẫn chiếm trọng số cao nhất (dao động 16-21% mỗi tiêu chí).
7 tiêu chí mới được đưa vào để đánh giá, gồm tỷ lệ tốt nghiệp của sinh viên là thế hệ đầu tiên trong gia đình học đại học, tỷ lệ cử nhân có thu nhập cao hơn học sinh tốt nghiệp trung học, số trích dẫn trên mỗi ấn phẩm hay số công bố quốc tế của giảng viên…
5 tiêu chí cũ, trong đó có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp phải vay vốn, thứ hạng thời trung học hay quy mô lớp học, đã bị loại khỏi cách xếp hạng năm nay.
Theo US News, những thay đổi trên nhằm đánh giá tính dịch chuyển xã hội, cụ thể là khả năng tốt nghiệp của những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn tại các trường đại học. Một số thước đo như thứ hạng thời trung học của sinh viên bị loại bỏ vì không nhiều trường báo cáo dữ liệu đó nữa.
Khánh Linh (Theo US News)