Thị trường khó khăn, xuất khẩu liên tục giảm
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho thấy trong tháng 8, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 2% so với tháng 7 và giảm 23% so với tháng 8/2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 742 triệu USD, đi ngang so với tháng 7 và giảm 17% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu, một số mặt hàng khác cũng giảm nhanh như dăm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022; gỗ ván và ván sàn đạt 956 triệu USD, giảm 24%; viên gỗ nén đạt 380 triệu USD, giảm 8%; cửa gỗ đạt 24 triệu USD, giảm 27%… Kết thúc 8 tháng đầu năm, ngành gỗ mới hoàn thành được gần 50% mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD của cả năm 2023.
Nhìn nhận về thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, ngành gỗ đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với các rào cản thương mại từ Mỹ và xuất hiện rào cản mới của thị trường EU… Do vậy, việc đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm có thể sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Xuất khẩu gỗ liên tục gặp khó trong những tháng đầu năm |
Xuất hiện thêm nhiều thách thức mới
Chia sẻ tại Hội thảo “Đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài”, chiều ngày 15/9, ông Eryk Dolinski – Giám đốc phát triển kinh doanh sản phẩm gỗ, Bộ phận cung ứng Tập đoàn IKEA khu vực Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển ngành gỗ nhờ nguồn nguyên liệu thô dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh, cơ sở hạ tầng phát triển. Đặc biệt là kinh tế vĩ mô phát triển ổn định trong thời gian dài.
Mặc dù vậy, ngành gỗ vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về thâm dụng lao động, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc gỗ. Bên cạnh đó, chi phí logistics cao khiến chi phí đưa nguyên liệu về nhà máy và vận chuyển xuất khẩu tăng cao, cùng với đó thời gian giao hàng cũng tăng lên.
Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của nhóm hàng này như Hoa Kỳ, EU, các nước Đông Bắc Á hay các nước trong khối CPTPP ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn từ thị trường, liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn… đặt ra nhiều những thách thức chưa từng có tiền lệ cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.
Mới đây nhất, giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Hay vào cuối tháng 6, EU đã ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR). Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021.
Xây dựng trung tâm logistics – xúc tiến thương mại nội thất
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ của các hệ thống phân phối quốc tế, đại diện IKEA cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung tự động hóa.
“Hiện nay nhà máy của IKEA tại Việt Nam sử dụng công nghệ giống các nhà máy ở EU. Từ dỡ hàng, nhập hàng đều được tự động hóa, lắp băng chuyền cho vận chuyển dăm gỗ, bột gỗ… Điều này giúp tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, tạo ra môi trường lao động tốt hơn nhiều so với trước, đồng thời giảm phát thải carbon. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần củng cố chuỗi cung ứng từ nhà máy cưa, xẻ…”, ông Eryk Dolinski chia sẻ.
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đưa hàng thời trang, gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối quốc tế |
Một vấn đề quan trọng khác được ông Eryk Dolinski nhấn mạnh là cần có những giải pháp mới về logistics, tập trung khâu vận chuyển để tối ưu hóa chi phí. “Sử dụng công nghệ từ việc đưa hàng lên phương tiện vận chuyển, sản xuất đến lắp ráp. Đồng thời đưa các sản phẩm rời từ Việt Nam sang EU lắp ráp để giảm chi phí, bởi việc vận chuyển phụ tùng từng phần nhỏ gọn hơn so với vận chuyển thành phẩm”, ông Eryk Dolinski cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Phương – Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) – cho biết: Hiện nay HAWA đã đề xuất hình thành trung tâm logistics – xúc tiến thương mại nội thất Việt Nam ở thị trường trọng điểm, đầu tiên là ở Mỹ. Việc này nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu có thể kết hợp để tiếp cận với khách hàng ở các nước sở tại với chi phí thấp.
“Một doanh nghiệp đầu tư sẽ khó hiệu quả vì chi phí và rủi ro quá cao nhưng nếu thiết lập ngôi nhà chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại nước ngoài sẽ tháo gỡ phần nào các khó khăn vướng mắc như pháp lý, kho hàng, quản lý hàng hóa, nhân sự… Chi phí vận hành cũng giảm đi rất nhiều, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp”, ông Phương khẳng định.
Ngành gỗ đang chứng kiến một đợt dịch chuyển mới khi thương hiệu nội thất lớn của Việt Nam đang mở rộng hiện diện ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là thị trường của các nước siêu giàu ở Trung Đông như Arab Saudi, Dubai. Đồng thời các doanh nghiệp cũng đã tích cực hơn trong việc tham gia các Hội chợ thương mại nội địa, hội chợ thương mại quốc tế. Điều này giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký HAWA, tương tự như Singapore và Malaysia, việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu nội thất quốc gia tại các Hội chợ quốc tế về nội thất là một chiến lược mà doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng để xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao. |