Trong khuôn khổ diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng đã diễn ra tại TP Đà Nẵng ngày 19.9, đại diện Google và TikTok đã có những trao đổi về việc hợp tác với các quốc gia trong khu vực cùng phòng chống tin giả, sai lệch.
Đại diện Google chia sẻ với các quốc gia ASEAN cách phòng chống tin giả, tin sai lệch. Ảnh: Thùy Trang
Kiểm soát bằng công nghệ và con người
Bà Nguyễn Liên – Đại diện từ Google tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, Google đã hạn chế nội dung, hành vi có hại, cung cấp cho người dùng những hiểu biết về thông tin đúng. Google cũng đã hỗ trợ các nghiên cứu để biết rõ hơn hành vi, sự thay đổi trong sử dụng internet của người dùng.
Thời gian xảy ra dịch bệnh COVID-19 có rất nhiều thông tin được đăng tải nên không ai biết đâu là thông tin thật, đâu là giả. Google đã phối hợp với Bộ Y tế của từng quốc gia để đảm bảo đưa ra thông tin chính xác, sử dụng thuật toán tự động, đồng thời phân bổ nhân lực để kiểm tra thông tin.
Ngoài việc cung cấp thông tin, đơn vị cũng đã hỗ trợ chương trình kiến thức kỹ thuật số và truyền thông, cung cấp khóa đào tạo về hiểu biết trực tuyến, thông qua quỹ ASEAN đã đào tạo hơn 1.000 người tại các nước thành viên để trở thành đại sứ về an toàn thông tin trực tuyến.
Tại Việt Nam, Google đã phối hợp tổ chức chương trình trực tuyến cho công dân lớn tuổi nhằm tiếp cận người dân nhiều hơn, tận dụng mạng lưới cộng đồng để xác thực thông tin; cùng ngồi lại với các cơ quan báo chí để phân tích thông tin người dùng cần, cách sử dụng dữ liệu tốt nhất.
Bà Teresa Tan – Đại diện TikTok cũng cho biết, đơn vị đang áp dụng nhiều cách kiểm duyệt nội dung trên nền tảng để xóa các nội dung vi phạm. Mỗi chương trình, nội dung cung cấp trên nền tảng sẽ được phân loại, gắn độ tuổi phù hợp, được kiểm duyệt…
Đại diện TikTok chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Thùy Trang
TikTok cũng trao quyền cho cộng đồng sử dụng thông tin phù hợp và báo cáo những nội dung sai lệch. Các cộng đồng, tổ chức độc lập cũng sẽ cùng tham gia kiểm tra để xác minh tính xác thực của nội dung.
TikTok đảm bảo rằng những nội dung không đủ điều kiện, chưa xác minh liên quan đến trường hợp khẩn cấp sẽ được thêm các nhãn cảnh báo người dùng cân nhắc trước khi chia sẻ hay đăng thông tin trên mạng xã hội.
Đơn vị cũng đang sử dụng đồng thời công nghệ và sự kiểm duyệt của con người để kiểm soát thông tin bị báo cáo, ứng phó với các xu hướng mới và làm việc với các đối tác để xác minh thông tin.
TikTok cũng nội địa hóa từng thị trường. Với mỗi quốc gia sẽ có hoạt động riêng để nâng cao tính an toàn trong không gian mạng, đây là điều chính phủ các quốc gia rất quan tâm và cùng phối hợp thực hiện.
Hợp tác cùng chống hành vi lệch chuẩn không gian mạng
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đánh giá, các nền tảng số xuyên biên giới những năm gần đây đã nỗ lực rất nhiều trong việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi tác hại của những tin giả, tin sai sự thật. Bởi đây là cách bảo vệ uy tín của chính họ.
“Tuy nhiên, tôi mong muốn chúng ta đi sâu hơn vào mô hình kinh doanh, những thuật toán, công nghệ hiện nay đang có xu hướng gợi ý người tiêu dùng xem cả tin giả lẫn tin thật. Chúng ta phải phân tích những biểu hiện lệch chuẩn, hành vi thương mại không đúng đắn đó. Tức là, câu chuyện ở đây phải được tiếp cận để xử lý từ nhiều góc độ, nó gắn giữa kinh tế và truyền thông, sự nắm bắt và kiểm soát được công nghệ.
Đây là những thách thức rất lớn mà các nền tảng xuyên biên giới với lợi thế của họ đã đi trước nhiều chính phủ, nhiều quốc gia một bước. Nhưng với nhận thức rộng khắp và đồng bộ như hiện nay thì các chính phủ cũng đã đuổi kịp và ở một chừng mực nào đó trong thời gian tới sẽ dẫn dắt câu chuyện này. Qua đó, các quốc gia sẽ kiểm soát việc phát tán nội dung, tạo hệ sinh thái số lành mạnh và đấu tranh hiệu quả, chống các biểu hiện lợi dụng, trục lợi từ những hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng” – ông Lâm nói.
Laodong.vn