Một số tờ trình quan trọng như thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM; cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP.Thủ Đức; tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn.
Kỳ họp dự kiến cũng thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Đồng thời, thông qua chủ trương đầu tư một số dự án xây dựng, cải tạo, mở rộng trường học: THPT Hùng Vương, THPT Trưng Vương và THPT Võ Trường Toản.
Ngoài ra, còn một số nội dung được xem xét như: chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ chi phí điều trị tật khúc xạ mắt đối với công dân đăng ký tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân; giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023…
Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công, HĐND TP.HCM xem xét thông qua điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2023 từ 46.038 tỉ đồng lên 53.894 tỉ đồng.
UBND TP.HCM cũng vừa gửi tờ trình dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024 với tổng nhu cầu vốn gần 60.000 tỉ đồng. Cụ thể, đối với nguồn vốn ngân sách địa phương, các chủ đầu tư, cơ quan chủ quản đăng ký 55.225 tỉ đồng, trong đó các dự án đủ điều kiện xem xét, bố trí vốn gần 35.000 tỉ đồng, còn lại đang thực hiện thủ tục đầu tư. Riêng nguồn vốn T.Ư, TP.HCM dự kiến cần 4.355 tỉ đồng để triển khai các dự án như nút giao thông An Phú, mở rộng QL50, Vành đai 3, cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên.