Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Chính phủ quy định về kinh doanh bảo hiểm (BH), xổ số, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai BH nhân thọ và BH sức khỏe lên gấp đôi. Cụ thể, nâng mức xử phạt hiện hành (từ 40 – 50 triệu đồng) lên mức 90 – 100 triệu đồng với nhiều hành vi vi phạm.
Các hành vi vi phạm bị phạt trong khung này như tư vấn viên không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho người mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của bên mua khi giao kết hợp đồng BH; không cung cấp cho bên mua bằng chứng giao kết hợp đồng BH. Hoặc có hiện tượng đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng BH; tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm BH; không thể hiện rõ việc tham gia sản phẩm BH không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối; triển khai sản phẩm BH thuộc nghiệp vụ BH liên kết đầu tư, BH hưu trí, BH sức khỏe không theo quy định…
Doanh thu ngàn tỉ, xử phạt 100 triệu là quá thấp
Theo TS Trần Nguyên Đán, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, mức xử phạt tăng lên khoảng 100 triệu đồng nếu vi phạm trong lĩnh vực BH là chưa đủ để răn đe, ngăn ngừa. Đặc biệt với những hành động như cưỡng ép người mua BH; tư vấn không đầy đủ về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của khách hàng khiến họ hiểu lầm bản chất của BH. Đặc biệt, doanh thu từ hoạt động BH có thể lên hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm mà các doanh nghiệp nhận được thì mức xử phạt trên quá thấp.
Đối với những hành động như ép buộc khách hàng tham gia mua BH hay tư vấn thiếu trách nhiệm, chỉ đưa ra quyền lợi nhiều hơn để “dụ dỗ” người mua thì nên xử phạt theo từng trường hợp. Ông ví dụ, nếu như có hiện tượng “ép” khách hàng mua BH khi có nhiều phản ánh, khiếu nại thì phải xét đến cả quá trình. Nếu có cả ngàn trường hợp như vậy thì phải tính là phạt 100 triệu đồng đối với một hợp đồng chứ không phải chỉ phạt 100 triệu đồng cho hành vi này vì có đến cả ngàn người khác bị thiệt hại.
“Nhiều nước có khung xử phạt hành chính rất nặng liên quan hoạt động BH. Mức phạt sẽ tính theo tỷ lệ doanh thu. Chẳng hạn ở Anh cũng từng xảy ra vụ kiện lớn nhất là hàng triệu khách hàng bị bán cho các hợp đồng BH thanh toán mà họ không cần. Kết quả là ngân hàng và công ty BH liên quan đều phải bồi thường nhiều tỉ bảng Anh. Vì vậy mức phạt trong dự thảo do Bộ Tài chính đề xuất lần này vẫn còn quá thấp. Với mức lợi lớn hằng năm thì các công ty, đại lý BH vẫn sẵn sàng rút sẵn tiền nộp phạt để thực hiện được việc bán BH mà không hề lo sợ bị phạt”, TS Trần Nguyên Đán nói.
Nghĩ đến phạt phải sợ, mới đủ sức răn đe
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cũng đánh giá dù mức phạt đã tăng gấp đôi so với hiện nay thì đây cũng là mức phạt quá ít, không đủ để khiến các cá nhân hay doanh nghiệp sợ. Trong khi ở nhiều nước, nguyên tắc xử phạt là phải làm thế nào để cá nhân, tổ chức nghĩ đến là sợ, là có thể tán gia bại sản nếu vi phạm. Đặc biệt trong một số lĩnh vực nguy hiểm, liên quan đến tính mạng, lòng tin như BH thì bắt buộc đơn vị bán sản phẩm không được phép vi phạm. Có những hành vi vi phạm gần đây đã được tăng mức phạt lên cao như vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán. Vì vậy nên rà soát tổng thể các quy định liên quan. Trong đó, bắt đầu điều chỉnh từ luật Xử lý vi phạm hành chính và nêu rõ mức xử phạt của các hoạt động cụ thể, có cả kinh doanh BH.
Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: Xử phạt phải theo hướng tăng cao như các nước đã áp dụng. Cụ thể với lĩnh vực BH đối với cá nhân vi phạm phải ở mức tiền tỉ là phổ biến, với tổ chức cũng từ tiền tỉ trở lên và tối đa có thể lên hàng trăm tỉ đồng. Chỉ có phạt nặng mới khiến cá nhân, đại lý BH không dám có hành động sai phạm hay nhắm mắt làm ngơ cho những hành vi sai trái, ép khách hàng mua BH như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, phải quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các cơ quan liên quan từ địa phương lên Bộ Tài chính. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước vẫn đẩy mạnh tuyên truyền cho khách hàng tham gia hoạt động BH phải hiểu rõ quy định về quyền lợi và trách nhiệm; tăng cường thanh tra, xử phạt.
TS Trần Nguyên Đán đề xuất Bộ Tài chính nên quy định xử phạt chủ thể nào khi có hành vi vi phạm. Ví dụ trong việc “ép” khách hàng mua BH, ở đây chủ thể bị xử phạt phải là các cá nhân, đại lý lớn như ngân hàng khi xảy ra vi phạm. Công ty BH cũng có thể bị phạt liên đới trách nhiệm khi không có giám sát trong quá trình kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần có thêm quy định về vai trò giám sát của Bộ Tài chính đối với kênh đại lý BH là các ngân hàng, tổ chức tài chính. Đây là lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ Tài chính nên mọi đối tượng tham gia thị trường BH đều có thể bị thanh tra quá trình thực hiện, triển khai bán sản phẩm BH để bảo vệ khách hàng. Đặc biệt sau câu chuyện xử phạt thì hoạt động thanh tra, giám sát quá trình thực hiện, triển khai sản phẩm BH cũng phải được đẩy mạnh hơn để hạn chế những hành vi sai trái trên thị trường, lấy lại niềm tin của người dân.
Nghị quyết kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV công bố trong tháng 6.2023 nêu rõ một trong những việc cần làm là thanh tra toàn diện thị trường BH nhân thọ, tập trung vào loại hình BH liên kết đầu tư. Năm 2023, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp BH. Cuối tháng 6, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra đối với 4 doanh nghiệp BH nhân thọ và triển khai hoạt động thông qua liên kết với ngân hàng để kinh doanh BH nhân thọ với nhiều sai phạm. Cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp BH cũng như xây dựng kế hoạch thanh tra trong năm 2024.