Xử lý nợ xấu còn chậm
Sáng 18/9, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, về lĩnh vực ngân hàng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, các nội dung yêu cầu tại Nghị quyết số 134/2020 và Nghị quyết số 62/2022 cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
Trong đó, các giải pháp thu hút ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước được triển khai tích cực. Các hoạt động thanh tra, giám sát được tăng cường, đổi mới. Xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực, tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.
Tuy nhiên, theo bà Ngần, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm. Thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo giải trình liên quan đến thực trạng vấn đề sở hữu chéo, thao túng, sân trước sân sau trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đây là vấn đề Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện văn bản quy định của pháp luật cũng như khi triển khai trong thực tiễn để khắc phục.
“Thực tế, trên hồ sơ tình trạng sở hữu chéo đến nay đã được khắc phục. Tức là trên hồ sơ cá nhân, tổ chức nào nắm giữ tỉ lệ cổ phần như thế nào đối với hệ thống ngân hàng qua hoạt động cho vay đã thể hiện”, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Song, bà Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, thực tế các tổ chức, cá nhân có thể đứng tên hoặc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái để cho vay vốn ngân hàng.
“Vấn đề này qua điều tra các vụ việc vừa qua mới phát hiện ra. Cho nên, đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm”, bà Nguyễn Thị Hồng nói và cho biết khi xây dựng dự thảo Luật về các tổ chức tín dụng, những vấn đề này được coi là trọng tâm.
Cụ thể, trong dự thảo Luật đã thiết kế trong một nhóm vấn đề để làm sao giảm được hiện tượng này bằng các giải pháp: Mở rộng phạm vi khái niệm người có liên quan; giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng; giảm tỉ lệ giới hạn cấp tín dụng…
Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, quá trình xin ý kiến vẫn còn những ý kiến băn khoăn, ví dụ quy định này có xử lý được triệt để, chống được sở hữu chéo, sân trước sân sau không trong ngân hàng?
“Nếu chờ có một quy định xử lý triệt để sẽ không bao giờ có, các quy định cần phải hướng đến không chỉ luật về các tổ chức tín dụng mà trong các lĩnh vực khác, phải có các quy định, làm sao để hoạt động của doanh nghiệp, người dân ngày càng minh bạch. Cụ thể, thông tin về tỉ lệ sở hữu hay thông tin về giao dịch của doanh nghiệp hay cá nhân… phải minh bạch “, bà Hồng cho hay.
“Siết” sở hữu chéo trong ngân hàng
Điều quan trọng nữa để xử lý tình trạng sở hữu chéo, sân trước sân sau trong ngân hàng là vấn đề thực thi luật, doanh nghiệp, người dân phải tuân thủ. Theo Thống đốc, trong trường hợp cố tình nhờ người khác đứng tên thì việc xử lý nằm ở các cơ quan điều tra.
Bên cạnh đó, nhiều quan điểm cho rằng nếu quy định cứng trong luật này sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, gây tăng chi phí. Theo bà Hồng, xây dựng quy định “siết” sở hữu chéo sẽ giúp đảm bảo an toàn hệ thống và kiểm soát được những rủi ro, nhưng sẽ tác động đến thị trường chứng khoán, sự điều tiết thị trường của nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin, khi xây dựng dự thảo, việc phân tích, đánh giá tác động phải dựa trên bức tranh lớn hơn về vai trò điều tiết của nền kinh tế từ khía cạnh tổ chức tín dụng.
“Chi phí thủ tục để kiểm soát rủi ro đương nhiên tổ chức tín dụng phải tăng lên để điều tiết. Ủy ban Kinh tế và Ngân hàng Nhà nước sẽ trao đổi, chỉnh sửa để có báo cáo với Thường vụ Quốc hội ngày 20/9”, Thống đốc cho hay.
Liên quan đến tình hình nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết từ năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, dù cho Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư cho cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ song nợ xấu đã tăng lên. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp để xử lý nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó trong Nghị quyết 144 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, báo cáo các cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2023. Giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2023 phương án xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB), không để chậm trễ hơn nữa.