Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 24 (tháng 7/2023), ngày 20/7/2023, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và đã nhận được 16/17 ý kiến góp ý của các cơ quan. Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung; đồng thời, đề nghị một số vấn đề cụ thể.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ngày 4/8/2023, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về dự kiến các nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Kỳ họp thứ 6 và đã nhận được ý kiến của 8/10 cơ quan.
Về dự kiến nội dung, Chính phủ đề nghị bổ sung các nội dung sau trình Quốc hội xem xét, quyết định: (1) Việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; (2) Việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; (3) Việc thí điểm một số cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; (4) Việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do nhà nước đầu tư; (5) Một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ những vướng mắc ở một số luật có liên quan nhằm huy động nguồn lực cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tăng trưởng; (6) Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; (7) Quy hoạch Không gian biển quốc gia; (8) Việc thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 của các quỹ tài chính ngoài ngân sách do Trung ương quản lý; (9) Một số cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án đầu tư sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 và việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư; (10) Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; (11) Phê chuẩn Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia; (12) Phê chuẩn việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Về các nội dung nêu trên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ mới gửi hồ sơ tài liệu của các nội dung (1), (2), (3) và (6), trong đó, nội dung (1), (2) và (6) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí xem xét tại phiên họp tháng 9/2023 này, hiện nay, các nội dung này đã được bố trí trong dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6; còn nội dung (3) đang được Ủy ban Kinh tế chuẩn bị nghiên cứu thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 10/2023, nên đề nghị chưa bố trí vào dự kiến chương trình khi gửi xin ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội. Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu hồ sơ đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung này tại Kỳ họp thứ 6.
Sau phiên họp tháng 9/2023, phần lớn nội dung kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó tiếp tục cho ý kiến lần 2 đối với các dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Các nội dung liên quan đến kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo về kiến nghị của cử tri và một số vấn đề quan trọng khác sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10/2023.
Do khối lượng nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp 6 rất lớn với nhiều nội dung khó, phức tạp, để bảo đảm thời gian cho các vị Đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung để gửi các Đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định; đồng thời, tiếp tục công khai danh sách các cơ quan hữu quan chậm gửi tài liệu Kỳ họp.
Dự kiến tổng thời gian làm việc Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội là 25 ngày; khai mạc vào ngày 23/10/2023 và bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 3 ngày thứ bảy. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, cụ thể: Đợt 1 là 20,5 ngày, từ ngày 23/10 đến sáng ngày 16/11/2023; Đợt 2 là 4,5 ngày, từ ngày 24/11 đến sáng ngày 29/11/2023.