Tuy máy bay là phương tiện rất an toàn, nạn nhân các vụ tai nạn máy bay thường khó tránh được cái chết. Tuy nhiên trên thế giới vẫn có những vụ sống sót đầy kỳ diệu. Câu chuyện sau đây là một trong số đó.
40 năm trước, sự yên bình của bầu trời gần thị trấn Zavitinsk (cách Vladivostok 800 km về phía tây bắc) đã bị phá tan bởi một vụ va chạm máy bay. Chuyện xảy ra vào ngày 24/8/1981 ở vùng Viễn Đông, Liên Xô, nay là Nga.
Tuần trăng mật bi thảm
Hôm đó, một máy bay mang tên lửa Tu-16K đã va chạm với một máy bay chở khách loại An-24RV, đang đi từ “Komsomolsk trên sông Amur” đến Blagoveshchensk. Khi đó, chiếc máy bay quân sự chỉ đang thực hiện một số hoạt động thu thập thông tin thời tiết – khí tượng.
Vụ va chạm là kết quả của một loạt yếu tố không may. Người ta cho rằng các yếu tố này đứng riêng lẻ thì không có gì đáng ngại, nhưng hợp lại lại tạo ra tình huống rất nguy hiểm.
Chiếc Tu-16K là một trong số các máy bay quân sự phải bay qua vùng này ngày hôm đó. Các phi công đã được thông báo sai về những chiếc máy bay khác họ phải đề phòng trên bầu trời.
Đó là lý do họ nói với nhân viên kiểm soát không lưu rằng họ đã đạt được độ cao cần thiết (để đài không lưu có thể điều hướng các máy bay khác một cách an toàn), nhưng trên thực tế, các phi công đã định cho chiếc Tu-16K đạt độ cao ấy muộn hơn một chút. Chỉ huy các chuyến bay quân sự không sử dụng máy dò vô tuyến vào thời điểm đó – nếu không họ đã xác định được vị trí của chiếc An-24RV. Thêm nữa, các lực lượng dân sự và quân sự hôm đó đã không thống nhất với nhau về kế hoạch bay.
Lúc 3h21 chiều, hai máy bay va chạm ở độ cao 5.200 mét. Chiếc An-24RV bị mất phần thân trên và cánh, các cánh quạt của nó cắt vào thân chiếc Tu-16K. Hai máy bay vỡ tan và lao xuống rừng taiga. 37 người chết, bao gồm sáu người thuộc phi hành đoàn quân sự, năm thành viên phi hành đoàn của chiếc An-24RV và 26 hành khách (bao gồm một đứa trẻ). Tuy nhiên, tổng số người trên máy bay là 38 người: Larisa Savitskaya, sinh viên sư phạm 20 tuổi đã sống sót một cách thần kỳ sau vụ tai nạn.
Larisa Savitskaya đang trở về sau chuyến đi tuần trăng mật với chồng là Vladimir. Họ đến thăm người thân của Vladimir ở Komsomolsk trên sông Amur. Blagoveshchensk là thành phố nơi cặp đôi sinh sống và học tập. Larisa nhớ rõ tất cả các hành khách và thời điểm họ bước vào máy bay, nhưng sau đó cô thuật lại: “Tôi mệt mỏi đến mức không nhớ chúng tôi đã cất cánh như thế nào”.
Máy bay còn một nửa số ghế và một nữ tiếp viên đã mời hai người ngồi ở phía trước, nhưng họ quyết định ra phía sau để cảm thấy bớt ồn ào hơn. Đây là một trong những quyết định đã cứu mạng Larisa: “Khi máy bay vỡ ra, những chiếc ghế chúng tôi ngồi lúc đầu rời ra và bay đi cùng một mảnh máy bay và một số hành khách”.
Cô tỉnh dậy sau cú va chạm mạnh. Nhiệt độ 25°C trong cabin đột ngột giảm xuống -30°C khi phần trên của máy bay bị xé toạc. Larisa cảm thấy một vết bỏng. Cô nghe thấy tiếng khóc và không khí rít xung quanh mình. Vladimir chết ngay tại thời điểm va chạm và Larisa thấy dường như cuộc đời của cô cũng kết thúc khi thậm chí không thể hét lên vì đau buồn hay đau đớn.
Trong một số thời điểm, cô đã gục trên lối đi của sàn máy bay. Lúc đó, cô chợt nhớ đến một bộ phim Ý có tựa đề ‘Điều kỳ diệu vẫn xảy ra’ đã xem trong rạp với Vladimir khoảng một năm trước. Phim kể về Julianne Koepcke, người sống sót sau một vụ tai nạn máy bay trong rừng Peru. Larisa nhớ lại: “Chỉ một suy nghĩ – làm thế nào để chết mà không đau đớn. Tôi nắm lấy miếng đệm tay ghế ngồi, cố gắng đẩy tay kia và chân ra khỏi sàn và ghế bằng tất cả sức lực còn lại”. Julianne đã làm điều tương tự trong phim.
Rừng taiga
May mắn thay, mảnh đuôi chiếc An-24RV với chiếc ghế của Larisa đang lướt đi trong không khí và không bị xoay ngoặt đột ngột. Cô kể lại rằng cô không thể nhìn thấy hết những gì đang diễn ra. “Những đám mây bay dọc theo cửa sổ, sau đó sương mù dày đặc bao phủ chúng và tiếng gió hú inh tai. Máy bay không bốc cháy. Đột nhiên, cây cối khắp nơi bao bọc lấy mảnh xác máy bay. Rừng taiga! (loại hình rừng cây lá kim ở các nước bắc bán cầu – PV). Larisa lại may mắn một lần nữa: Sau tám phút rơi tự do, mảnh vỡ máy bay mang theo cô đã mắc vào một đám cây bạch dương mềm dẻo khiến việc tiếp đất nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc rơi thẳng xuống đất hoặc trên các cây linh sam.
Âm thanh đầu tiên mà Larisa nghe thấy khi tỉnh lại là tiếng vo ve của lũ muỗi rừng xung quanh cô. Tuy nhiên cô chưa thể đánh giá hết tính nghiêm trọng của những vết thương trên người. Cô cảm thấy nhiều chấn thương ở cột sống (rất may là cô vẫn có thể di chuyển), bị gãy răng, xương sườn, tay và chân, chấn động não, đau âm ỉ toàn thân. Larisa mắc phải những ảo giác khác nhau: “Tôi mở mắt ra: bầu trời trên đầu, tôi đang ngồi trên ghế bành và Volodya đang ở trước mặt tôi. Anh ấy đang ngồi trên sàn của khoang bên phải còn nguyên vẹn, dựa lưng vào tường. Có vẻ như anh ấy đang nhìn tôi. Nhưng mắt anh nhắm nghiền.
Như thể anh đang nói lời tạm biệt. Tôi nghĩ nếu anh ấy có một điều ước trước khi chết, có lẽ là anh ấy chỉ muốn tôi sống sót”.
Bất chấp mọi vết thương, Larisa vẫn có thể đi lại được. Đến tối, trời bắt đầu mưa và cô tìm thấy một mảnh thân máy bay để trú ẩn. Cô cảm thấy rất lạnh và phải dùng bọc ghế để giữ ấm. Đêm đầu tiên, cô nghe thấy tiếng gầm gừ ở đâu đó trong rừng. Đó có thể là một con gấu, nhưng Larisa vẫn còn quá sốc, chẳng có đầu óc đâu để nghĩ về điều đó. Trong hai ngày, cô uống nước từ những vũng nước gần đó. Vì bị rụng gần hết răng nên cô thậm chí không thể ăn được các loại quả mọng. Larisa nhớ lại: “Tôi nghe thấy tiếng máy bay trực thăng và tìm cách ra hiệu cho những người trên máy bay. Tôi tìm thấy một tấm bọc ghế màu đỏ và bắt đầu vẫy. Họ thấy tôi với cái vỏ bọc này mà tưởng tôi là đầu bếp của các cán bộ địa chất đang diễn trò. Trại của đội địa chất ở đâu đó gần đây”. Đến ngày thứ ba, cô nhớ ra rằng Vladimir có diêm và thuốc lá trong túi áo khoác.
Nhóm tìm kiếm phát hiện Larisa đang ngồi trên ghế, hút thuốc. “Khi những người cứu hộ phát hiện ra tôi, họ không thể thốt ra bất cứ điều gì khác ngoài những tiếng “ồ, à”. Tôi hiểu họ, ba ngày quay cuồng tìm kiếm, thu hồi những mảnh xác người từ trên cây, rồi bất ngờ nhìn thấy một người sống”, cô nhớ lại. Không ai tin ai đó có thể sống sót sau một vụ tai nạn như vậy (đây thực sự là lý do tại sao Larisa được tìm thấy muộn như thế).
“Tôi trông chẳng giống ai trên đời. Toàn thân tôi có màu mận chín với ánh bạc lấp lánh – lớp sơn thân máy bay dính một cách bất thường. Và tóc tôi biến thành một mảnh bông thủy tinh lớn vì gió”.
Sau khi lực lượng cứu hộ đến, Larisa không thể đi lại được nữa. Cô giải thích: “Khi tôi nhìn thấy mọi người, tôi đã cạn kiệt sức lực”. Lực lượng cứu hộ đã phải chặt cây bạch dương để cho một chiếc trực thăng hạ cánh và đưa người sống sót duy nhất về Zavitinsk. “Sau đó, ở Zavitinsk, tôi phát hiện ra rằng một ngôi mộ đã được đào cho tôi. Người ta đào sẵn, căn cứ theo nhật ký hành khách của chiếc An-24RV”.
Việc điều trị của Larisa rất khó khăn, nhưng nhìn chung, cơ thể cô đã phục hồi sau những vết thương khủng khiếp. Cô đã làm thủ tục để nhận được chứng nhận khuyết tật, nhưng một ủy ban đã quyết định rằng các chấn thương đó không đủ nghiêm trọng. Larisa chỉ nhận được một khoản bồi thường rất nhỏ – chỉ 75 rúp (khoảng 117 USD theo tỷ giá hối đoái năm 1980), trong khi mức lương trung bình hàng tháng ở Liên Xô là khoảng 178 rúp (khoảng 278 USD). Larisa Savitskaya giữ kỷ lục Guinness thế giới với tư cách là người nhận được khoản bồi thường nhỏ nhất từ trước đến nay sau một vụ tai nạn máy bay.
Trong khi đó, vụ va chạm máy bay bị bưng bít ngay lập tức. Báo chí Liên Xô đã không viết bất cứ điều gì về thảm họa. Liên quan đến kết quả điều tra chính thức, nhà chức trách tuyên bố phi công và nhân viên kiểm soát không lưu phải chịu trách nhiệm về vụ va chạm. Larisa Savitskaya chỉ nhận được thông báo về kết quả điều tra vào những năm 1990. Báo cáo đầu tiên chỉ xuất hiện vào năm 1985 trên tờ ‘Sovetsky Sport’ (“Thể thao Liên Xô”). Larisa Savitskaya nhớ lại: “Có vẻ như họ rất muốn viết về vụ tai nạn, nhưng lại bị cấm. Vì vậy, họ viết rằng tôi bay trên một chiếc máy bay tự chế và rơi từ độ cao 5 km, nhưng vẫn sống sót, bởi vì một người Liên Xô có thể vượt qua mọi thứ”.
Sau đó, Larisa chuyển từ Blagoveshchensk đến Moscow. Thật khó cho cô khi sống ở thành phố nơi mọi thứ đều gắn liền với Vladimir.
40 năm sau vụ tai nạn, bà Larisa thừa nhận rằng mình vẫn nhớ mọi thứ và hồi ức vẫn khiến bà đau khổ. Đồng thời, bà tin rằng “tên lửa không bao giờ rơi hai lần vào một chỗ” nên không sợ đi máy bay.
Nguyễn Xuân Thủy(Nguồn: RBTH)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo