Nhật Bản có truyền thống văn học nữ giới phát triển từ thế kỷ XI, sau đó lắng đi từ thế kỷ XIII đến thời Minh Trị cuối thế kỷ XIX mới phục hồi.
Văn học từ 1945: Truyền thống văn học nữ giới
Nhật Bản có truyền thống văn học nữ giới phát triển từ thế kỷ XI (thời Heian), sau đó lắng đi từ thế kỷ XIII đến thời Minh Trị cuối thế kỷ XIX mới phục hồi.
Sau đây là một số nhà văn nữ đương đại:
Nhà văn Hayashi Fumiko. |
Hayashi Fumiko (1903-1951) viết tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ. Bà viết một cách hiện thực và thương cảm về tầng lớp hạ lưu ở Tokyo hậu chiến dưới một góc độ ảm đạm.
Các tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là Nhật ký kẻ lang thang (Hōrōki, 1930), Hoa cúc muộn (Bangiku, 1948) và Mây trôi (Ukigumo, 1951).
Bà chết vì nhồi máu cơ tim năm 1951, ngôi nhà của bà ở Tokyo sau đó được biến thành Bảo tàng, Nhà tưởng niệm bà. Tại Onomichi, nơi Hayashi đã sống thời niên thiếu, người ta dựng một bức tượng bằng đồng để tưởng nhớ bà.
* * *
Enchi Fumiko (1905-1986) viết văn từ năm 1926, nhưng thời hậu chiến mới nổi tiếng. Bà nổi tiếng với những khám phá về các ý tưởng về tình dục, giới tính, bản sắc con người và tâm linh, viết về tâm lý thầm kín của phụ nữ, vừa là nạn nhân vừa là đồng lõa của nam giới trong việc hành hạ phụ nữ. Bà là một trong những nhà văn nữ Nhật Bản nổi bật nhất trong thời Shōwa (1926-1989) của Nhật Bản.
Cuốn tiểu thuyết Xâu chuỗi ngày tháng (Himojii Tsukihi, 1953) của Enchi giành được Giải thưởng Văn học Phụ nữ năm 1954, kể một câu chuyện bạo lực, đau khổ về bất hạnh gia đình và sự thiếu thốn về thể chất và tinh thần; Những năm chờ đợi (Onna Zaka, 1949-1957), lấy bối cảnh thời Minh Trị và phân tích hoàn cảnh của những người phụ nữ không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận vai trò hạ thấp được giao cho họ trong trật tự xã hội gia trưởng. Một số tác phẩm khác của bà: Lời nói như gió (Kaze no Gotoki Kotoba, 1939), Kho báu của trời và biển (Ten no Sachi, Umi no Sachi, 1940), Xuân Thu (Shunju, 1943), Mặt nạ (Onna Men, 1958)…
* * *
Ariyoshi Sawako (1931-1984) là tiểu thuyết gia viết nhiều và là một trong những nhà văn nữ nổi tiếng nhất của Nhật Bản.
Các tác phẩm của bà kịch tính hóa các vấn đề xã hội quan trọng, chẳng hạn như sự đau khổ của người già, tác động của ô nhiễm môi trường và tác động của thay đổi xã hội và chính trị đối với đời sống và giá trị gia đình của Nhật Bản, đồng thời, đặc biệt tập trung vào cuộc sống của phụ nữ. Bà học Đại học Cơ đốc giáo nữ Tokyo.
Cuốn tiểu thuyết Những năm chạng vạng (Kōkotsuno Hito, 1972) mô tả cuộc sống của một phụ nữ lao động đang chăm sóc bố chồng già sắp chết, Dòng sông Ki (Kinokawa, 1959) là bức chân dung sâu sắc về cuộc sống của ba người phụ nữ nông thôn: mẹ, con gái và cháu gái, Vợ bác sĩ (Hanaoka Seishū no Tsuma, 1966) là tiểu thuyết lịch sử kịch tính hóa vai trò của những người phụ nữ Nhật Bản thế kỷ XIX, tác phẩm đã đánh dấu bà là một trong những nhà văn nữ xuất sắc nhất Nhật Bản thời hậu chiến.
Một số tác phẩm chính khác của bà: Người da trắng (Masshirokenoke, 1957), Vũ điệu liên kết (Tsudaremai, 1962), Thời điểm mất lòng tin (Fushin no Toki, 1967), Sự ô nhiễm phức hợp (Fukugō Osen, 1975), Quần đảo Nhật Bản: Quá khứ và hiện tại (Nihon no Shimajima, Mukashi to Ima, 1981)…
* * *
Kurahashi Yumiko (1935-2005) xuất hiện những năm 60, trong phong trào biểu tình chống Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ. Bà học văn học Pháp, chịu ảnh hưởng của Sartre. Tiểu thuyết của bà hay dùng biểu tượng, ẩn dụ khêu gợi cái u uẩn trong con người, cắt đứt mối liên hệ với hiện thực, với các yếu tố châm biếm, nhại lại và các yếu tố khác điển hình của lối viết theo chủ nghĩa hậu hiện đại.
Năm 1960, Kurahashi xuất bản tiểu thuyết ngắn Cuối mùa Hè (Natsu no Owari), được đề cử cho Giải thưởng Akutagawa, Những cuộc phiêu lưu của Sumiyakisto Q (Sumiyakisuto Q no Bōken, 1969), tiểu thuyết kỳ ảo và lạc hậu, Chống bi kịch (Hanhigeki, 1971), Cây cầu của những giấc mơ (Yume no Ukihashi, 1971).
Ngoài ra, bà viết cả truyện ngắn và truyện dài như Lâu đài bên trong lâu đài (Shiro no Naka no Shiro, 1981), Truyện cổ tích độc ác dành cho người lớn (Otona no Tame no Zankoku Dōwa), Truyện ma ngắn của Kurahashi (Kurahashi Yumiko no Kaiki Shōhen), tác phẩm nổi tiếng nhất của bà trong suốt cuộc đời. Những năm cuối đời, mặc dù sức khỏe ngày càng sa sút, bà viết một số cuốn sách, bao gồm: Kôkan (Kōkan, 1989), Con đường mơ ước (Yume no Kayoiji, 1989), Bộ sưu tập hình ảnh tưởng tượng (Gensō Kaiga – Kan, 1991), Chuyến khứ hồi Yomotsuhirasaka (Yo Motsu Hira-sa ka ōkan, 2002), Cổ tích độc ác dành cho người già (Rōjin no Tame no Zankoku Dōwa, 2003).
Tác phẩm cuối cùng là bản dịch mới mà bà hoàn thành một ngày trước khi chết: Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry.
* * *
Sono Ayako (sinh 1931) xuất thân từ gia đình tư sản hiện đại, bà nổi tiếng từ năm 22 tuổi với Người khách từ phương xa (Enrai no Kyaku-Tachi, 1954). Các độc giả sau năm 1945 lấy làm thú vị khi đọc thấy nhân vật nữ 19 tuổi đối xử ngang nhiên với một quân nhân Mỹ.
Một số tác phẩm chính của bà là tiểu thuyết Khi kẹo đường vỡ (Satōgashi ga Kowareru Toki); Cây sậy bị thương (Kizutsuita Ashi), mô tả một cách khô khan nhất về cuộc đời của một người cha Công giáo; Ngôi nhà hư cấu (Kyokō no Ie) mô tả bạo lực gia đình; Màu trời xanh (Tenjō no Ao ), một tiểu thuyết tội phạm dựa trên các vụ án giết người và hiếp dâm hàng loạt, mô tả sự tột cùng của tình yêu; Lời than thở (Aika ) ghi chép trải nghiệm kịch tính của nữ tu sĩ đối mặt với nạn diệt chủng Rwanda; truyện ngắn Mùa đông dài tăm tối (Nagai Kurai Fuyu) một kiệt tác thường xuyên được tuyển tập; Sông Tadami (Tadami Gawa) về tình yêu bị chia cắt bởi Thế chiến II.