Cùng với một số ý kiến có quan điểm nêu trên, một số lập luận cho rằng con người không nên ăn thức ăn từ thịt dựa trên khía cạnh tiến hóa, sinh học.
Theo Viện Y học ứng dụng (Tổng hội Y học Việt Nam), thực tế, nhiều người chọn ăn thuần chay vì lý do sức khỏe. Cũng có người lại lựa chọn vì lý do đạo đức, với mong muốn tránh các hành vi tàn ác với động vật và tiêu thụ thực phẩm bền vững hơn. Tất nhiên, đây là lựa chọn và quan điểm của mỗi cá nhân.
Việc lựa chọn phong cách tiêu thụ thực phẩm nào cũng nên cân nhắc những lợi ích và nguy cơ đối với cơ thể, để các phương pháp đó trở nên phù hợp và mang đến nhiều tích cực cho sức khỏe.
Ăn đầy đủ, cân đối các thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật
Về vai trò thực phẩm có nguồn gốc động vật với sức khỏe, khoa học dinh dưỡng hiện đại đã chỉ ra rằng các thực phẩm có nguồn gốc động vật cung cấp một số chất dinh dưỡng cần thiết nhất định mà các thực phẩm có nguồn gốc thực vật không có hoặc chỉ có với hàm lượng rất thấp, hoặc rất khó hấp thu khi tiêu hóa. Đây là lý do con người nên ăn đầy đủ và cân đối, cả các thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật.
Ví dụ: vitamin B12 là một thành phần dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể không thể nhận được khi chỉ sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Vitamin B12 là vitamin rất cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ thần kinh và sự hình thành hồng cầu. Đây là lý do tại sao những người ăn chay nên được bổ sung vitamin B12.
Hoặc những người ăn chay cũng có thể không nhận đủ chất sắt trong chế độ ăn uống hàng ngày, vì thực phẩm từ thực vật chỉ cung cấp sắt với một lượng nhỏ và việc hấp thụ sắt từ thức ăn thực vật thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hấp thu ở thức ăn động vật. Thiếu sắt ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tổng thể, đặc biệt là ở phụ nữ, phụ nữ mang thai.
Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, từ các bằng chứng của các nghiên cứu trên toàn cầu, với câu hỏi “con người có nên ăn thịt hay không?” thì câu trả lời trên khía cạnh sức khỏe và dinh dưỡng là “có”.
Các bằng chứng khoa học, các nghiên cứu được triển khai trong nhiều năm qua trên thế giới đã chứng minh rằng con người được “thiết kế” có thể ăn cả các thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật.
Các thực phẩm có nguồn gốc động vật chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể con người mà các thực phẩm có nguồn gốc thực vật không có; và ngược lại.
Đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, nhiều chất dinh dưỡng quan trọng trong thức ăn động vật rất khó có thể thay thế bằng chế độ ăn thực vật dù đã bù đắp bằng bổ sung từ các thuốc, thực phẩm bổ sung. Do vậy, đây là nhóm đối tượng cần được ưu tiên trong khẩu phần ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng cân bằng động vật, thực vật.