Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu “kêu bất chợt, hỏi bất chợt” vì sẽ khiến học sinh căng thẳng, áp lực trước giờ học. Ông Hiếu đưa ra đề nghị này tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024 ở quận 3.
Nhiều giáo viên gọi đây là chỉ đạo có tính chuyên môn và tinh thần nhân văn cao, hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Như vậy, thầy cô cần làm gì trong việc kiểm tra đánh giá học sinh?
Không nhất thiết phải kiểm tra vào đầu tiết học mà có thể trong tiết học
Hiện các trường THCS và THPT thực hiện kiểm tra đánh giá học sinh THCS và THPT theo Thông tư 22 năm 2021 của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, việc đánh giá thường xuyên được thực hiện thông qua hình thức: hỏi-đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Đối với một môn học, mỗi học sinh được kiểm tra, đánh giá nhiều lần. Việc đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập) bao gồm đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
Việc kiểm tra học sinh theo kế hoạch bài dạy thể hiện dưới nhiều hình thức không chỉ có hỏi (kiểm tra miệng) mà còn có viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập… Bên cạnh đó, việc kiểm tra không nhất thiết phải diễn ra vào đầu tiết học mà có thể trong tiết học.
Như vậy, thầy cô không nên “gọi bất chợt, hỏi bất chợt” vì điều này sẽ khiến học sinh bối rối hoặc mất bình tĩnh, không đúng với phương pháp dạy học phát huy năng lực trong chương trình GDPT 2018.
Giáo viên có thể lựa chọn nhiều cách khác nhau để kiểm tra, đánh giá học sinh như hướng dẫn trong Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT. Thầy cô có thể chọn nhiều cách dẫn dắt bài học mới một cách nhẹ nhàng, thoải mái, tạo cho học sinh sự hứng thú khi học tập, tránh gây căng thẳng không đáng có cho học sinh vào đầu tiết học.
Kiểm tra kiến thức cũ một cách nhẹ nhàng
Là giáo viên dạy lịch sử tại Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa), tôi thường đặt câu hỏi vào đầu tiết học để học sinh có một phút suy nghĩ rồi cho các em xung phong trả lời. Nhiều cánh tay giơ lên chứng tỏ được sự tự tin của các em.
Nội dung câu hỏi ở mức độ vừa phải, đảm bảo yêu cầu kiến thức cần đạt và không đánh đố học sinh nên phần kiểm tra diễn ra nhẹ nhàng.
Chẳng hạn, khi kiểm tra hình thức hỏi – đáp về “Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1945 đến giữa những năm 70 của thế kỷ XX (lịch sử 9)”, tôi yêu cầu học sinh kể những thành tựu Liên Xô đạt được về khoa học-kỹ thuật. Nhiều em tranh nhau trả lời đúng.
Hay khi dạy lịch sử 8, mục 2 “Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ”, tôi đặt câu hỏi: “Em có biết vì sao trên lá cờ nước Mỹ có 50 ngôi sao và 13 sọc không?”. Nhiều em giơ tay xin giải thích chính xác.
Tôi nghĩ dạy học là cả một nghệ thuật, thầy cô cần linh hoạt, sáng tạo trong việc kiểm tra học sinh, chỉ cần các em hiểu, hứng thú trả lời là thành công. Kiểm tra kiến thức cũ và mới là một công đoạn tạo tiền đề hứng khởi trước khi vào phần khởi động, giúp quá trình tiết học diễn ra thành công.
Mỗi bài dạy có thể thực hiện trong nhiều tiết học, bảo đảm đủ thời gian dành cho mỗi hoạt động để học sinh thực hiện hiệu quả. Nhiệm vụ của thầy cô là giúp cho học sinh luôn cảm thấy thích thú, hạnh phúc với việc học tập và mỗi ngày luôn háo hức đến trường.
Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Các năng lực, phẩm chất này đều được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học. Việc hình thành kiến thức không chỉ là ghi nhớ, thuộc lòng mà quan trọng là thông qua các hoạt động học tập để hình thành kiến thức và vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Đây mới chính là yêu cầu, mục tiêu cần đạt của bài học đối với học sinh. Trong Công văn 5512 năm 2020, Bộ GD-ĐT hướng dẫn giáo viên về lập kế hoạch bài dạy qua 4 hoạt động gồm:
- Hoạt động 1, xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/mở đầu;
- Hoạt động 2, hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ hoạt động trước;
- Hoạt động 3, luyện tập;
- Hoạt động 4, vận dụng.