Hết hy vọng “hốt bạc”
“Trước đây người ta đến mua đông nghịt, không kịp bán, mỗi ngày thu 10-20 triệu đồng là chuyện bình thường. Nhưng giờ người dân thắt chặt chi tiêu, doanh thu giảm còn 5-8 triệu đồng/ngày”, anh Nguyễn Hữu Lợi (45 tuổi, ngụ TPHCM) rầu rĩ, nói.
Anh Lợi từng là chủ của 5 sạp bánh trung thu trên đường Hoàng Diệu (quận 4, TPHCM), nhưng giờ chỉ còn 1 sạp duy nhất. Nguyên nhân do sức mua ngày càng giảm, doanh thu không đủ để anh chi trả phí thuê quầy.
“So với năm trước, sức mua chỉ còn khoảng 50-60%. Tôi cũng rút kinh nghiệm, nhập hàng ít hơn để không bị tồn kho, khó bán. Mặc dù sau Tết Trung thu nếu không bán hết, bánh vẫn có thể trả lại “, anh Lợi chia sẻ.
Tại quầy của anh Lợi, khách hàng chủ yếu là khách mua lẻ, thường đến sau 17h. Dù đã mở quầy từ đầu tháng 8, đến nay được hơn 1 tháng, nhưng chỉ mới có 4 doanh nghiệp đến đặt hàng số lượng lớn.
“Năm ngoái tầm này đã có hơn 10 doanh nghiệp đặt hàng, chúng tôi mừng lắm. Nhưng năm nay có lẽ họ sa thải nhân viên nhiều, kinh tế khó khăn nên rất hạn chế. Khách mua lẻ cũng mua vài cái về ăn chơi, chứ mua làm quà tặng đắt tiền như mọi năm thì hiếm lắm”, anh Lợi bộc bạch.
Trước đó, anh đã thử áp dụng các chương trình khuyến mãi như mua bánh trung thu tặng 1 lon bia hoặc lồng đèn để thu hút người mua, giải quyết lượng hàng tồn. Thế nhưng, chương trình khuyến mãi vừa kết thúc thì tình trạng ế ẩm quay trở lại.
Gia đình anh Lợi có quán nhậu là nguồn thu nhập chính, nhưng năm nào cũng mong chờ vào Tết Trung thu để “hốt bạc”. Song, bản thân anh ngày càng chán nản khi tình hình kinh doanh không mấy khả quan.
Khi được hỏi về việc dự đoán tình hình kinh doanh sắp tới hoặc liệu có tiếp tục bán bánh vào Tết Trung thu năm sau hay không, anh Lợi chỉ lắc đầu ngao ngán: “Tôi không dám chắc”.
Chỉ tay về phía những quầy bán bánh trung thu gần đó, anh Lợi cho hay nhiều tiểu thương cũng rơi vào tình trạng ế ẩm như mình.
Chị H. (quê tại tỉnh Đồng Tháp) là chủ của 2 quầy bán bánh trung thu trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) và Hùng Vương (đoạn vòng xoay ngã sáu Cộng Hòa, quận 10, TPHCM).
Đã 5 năm kinh doanh mặt hàng này, đây là lần đầu tiên chị thấy ít người mua bánh trung thu như vậy. Mở quầy bán bánh trung thu từ đầu tháng 6, chị H. và chồng chỉ có thể thở dài vì doanh thu cứ ì ạch mỗi ngày.
“Vừa mở cửa sau dịch Covid-19, chúng tôi bán rất được. Nhưng năm nay các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, công nhân thất nghiệp nhiều nên doanh thu giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái”, chị H. nói.
Tại quầy của chị H., các loại bánh có mệnh giá dao động 60.000-120.000 đồng/cái. Một số loại đặc biệt, thượng hạng có giá hơn 400.000 đồng/cái. Giá bánh trung thu năm nay có phần tăng nhẹ do vật giá leo thang.
Tết Trung thu năm 2023, chị H. quyết định nhập hàng ít hơn năm ngoái do tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Năm trước, có nhiều doanh nghiệp tìm đến mua quà tặng đối tác nhưng năm nay chị H. chờ mãi không thấy “nổ” đơn.
“Còn 2 tuần, chúng tôi cũng ráng thử xem sao vì đây là tình hình chung, không phải mỗi quầy tôi là ế. Dù công ty có áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, nhưng khách hàng vẫn không quá mặn mà”, chị H. chia sẻ.
Như mọi năm, qua ngày Tết Trung thu, chị H. sẽ cố trụ thêm 3 ngày để bán số bánh còn tồn. Nếu không thể bán hết, một lượng bánh sẽ được công ty thu hồi. Số còn lại, vợ chị H. sẽ để dành ăn… trừ cơm hoặc mang về quê biếu cho gia đình.
Bánh trung thu ế… là hiển nhiên
Dọc trên các tuyến đường tại TPHCM như Hùng Vương, Lý Thái Tổ (quận 10), Nguyễn Tri Phương (quận 5),… nhiều quầy bán bánh trung thu treo biển “mua 1 được 2” hoặc thậm chí “mua 1 được 4”. Thế nhưng, một số quầy chỉ có lác đác khách ghé qua, người bán đông hơn người mua.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho biết, số liệu tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 của TPHCM chỉ có 3,72%. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ trừ năm 2020 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì thế, tình hình kinh doanh bánh trung thu rơi vào cảnh ế ẩm là điều hiển nhiên.
Theo đó, nguyên nhân là do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, dẫn đến thu nhập của người lao động giảm. Từ đó, nhu cầu chi tiêu của người dân cũng sẽ giảm theo, chỉ chi vào các mặt hàng thiết yếu, hạn chế các món xa xỉ. Doanh nghiệp cũng ít tặng quà cho đối tác.
Ngoài ra, kinh doanh bánh trung thu là công việc tùy theo “mùa vụ”. Khi vào “mùa”, càng nhiều người bán sẽ dẫn đến sức cạnh tranh lớn.
“Năm nay, tất cả hoạt động kinh doanh đều khó, những người ở lĩnh vực khác sẽ tìm cách kiếm thêm tiền nên họ sẽ tranh thủ bán bánh trung thu. Vì vậy, Tết Trung thu năm nay sẽ có nhiều người kinh doanh mặt hàng này hơn so với năm trước. Đây là vấn đề của thị trường, cung lớn hơn cầu”, vị tiến sĩ giải thích.
Từ đó, ông Hiển đề xuất rằng các hộ kinh doanh cần xác định rõ nhu cầu thực tế của thị trường. Doanh nghiệp cần hiểu rõ nơi “chảy” của dòng đầu tư, chi tiêu công đến lĩnh vực nào để tận dụng cơ hội.
Ngược lại với mặt hàng bánh trung thu, sức mua lồng đèn lại khả quan với các tiểu thương. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, còn khoảng 2 tuần nữa mới đến Tết Trung thu nhưng đoạn đường chuyên doanh lồng đèn Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TPHCM) đã đông nghịt người mua.
Tính riêng loại lồng đèn hình con thỏ, ông Dũng (40 tuổi, tiểu thương trên đường Hải Thượng Lãn Ông) đã bán được hơn 500 chiếc chỉ trong 3 ngày. Theo đó, loại lồng đèn này có giá dao động từ 30.000-45.000 đồng/chiếc tùy kích thước.
Ông Dũng cho hay, nhiều ngày qua, loại lồng đèn này đang “cháy hàng” do trào lưu trên mạng xã hội. Dọc đoạn đường chuyên kinh doanh đồ trang trí mỗi dịp Tết Trung thu, hàng loạt tiểu thương treo loại lồng đèn hình con thỏ với nhiều kiểu dáng khác nhau.
Tiểu thương cho hay, từ tháng 6, ông đã phải rục rịch chuẩn bị hàng bán dịp Tết Trung thu. Những tưởng năm nay sẽ ế ẩm do suy thoái kinh tế, không ngờ, người buôn bán như ông được cứu nhờ trào lưu nói trên.
Tại cửa hàng, cứ từ 18h đến tối muộn, người mua đến xếp hàng đông nghịt. Dự kiến đến Tết Trung thu, lượng khách sẽ còn tăng. Tại đây, các mặt hàng của ông Dũng dao động từ 25.000 đến 300.000 đồng.