Ngày 12/9/2023, vào khoảng 23h22 tại số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Tp. Hà Nội) tại một căn chung cư mini được xây dựng năm 2015, cao 9 tầng có diện tích khoảng 200m2 có 45 phòng với khoảng 150 người sinh sống đã xảy ra vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người thương vong, cũng như gây thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân.
Vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng khiến bao gia đình chịu cảnh tang thương, có gia đình 7 người đều mất mạng, có những em bé mất cả mẹ và cha, có những hoàn cảnh người trong một nhà nhưng âm dương cách biệt.
Hình ảnh đám cháy lan truyền khắp nơi trên mạng xã hội khiến nhiều người ám ảnh, lo lắng cho mình và người thân khi tại các thành phố lớn, đất chật, người đông, kinh tế eo hẹp thì chung cư mini là một loại hình nhà ở được rất nhiều người lựa chọn làm nơi “an cư”.
“Cháy nhà mới ra mặt chuột”
Chia sẻ với Người Đưa Tin, GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ vô cùng đau xót khi biết thông tin về vụ hoả hoạn tại chung cư mini trên địa phận phường Khương Đình. Bản thân cũng sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cách nơi xảy ra vụ cháy chưa đầy 3km, ông đặt câu hỏi tại sao sống trong một xã hội tưởng chừng như rất tiến bộ như hiện nay lại để xảy ra một vụ hoả hoạn có hậu quả đau thương như vậy.
“Tôi từng vào nhiều chung cư mini và nhận ra một điều rằng nếu xảy ra sự cố sẽ rất khó để người dân có đường chạy thoát thân: Ngõ vào bé, điện nước không đầy đủ, số lượng người sinh sống chen chúc, chật chội,…”, ông Đặng Hùng Võ nói.
Theo vị chuyên gia, nguyên nhân để dẫn tới tình trạng này do sự phát triển quá nhanh, mạnh của loại hình chung cư mini nhưng lại không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý.
Đánh giá về loại hình chung cư mini, vị GS cho rằng bản chất của sản phẩm bất động sản này không xấu. Chủ đầu tư xây dựng nhà có nhiều điểm tương đồng với các căn chung cư hiện đại nhưng mức giá thấp hơn nhiều lần, sau đó tiến hành chia phòng cho thuê/bán phù hợp với thu nhập và nhu cầu sinh sống của một bộ phận người dân. Việc xây dựng cũng dựa trên những yêu cầu, tiêu chí của pháp luật đã quy định công khai, minh bạch.
Song, để xảy ra tai nạn thương tâm trên thứ nhất là do lòng tham của chủ đầu tư, không quan tâm đến mạng sống, sự an toàn của cư dân sinh sống trong toàn nhà, bỏ qua mọi quy định của pháp luật đề ra cho loạt hình bất động sản này. Nguyên do thứ hai đến từ sự vô trách nhiệm của một bộ phận các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện đúng nghĩa vụ, quyền hạn của mình, mà ẩn sâu sau đó có thể là vấn đề lợi ích – một bài toán kinh tế giữa chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền.
“Sự xuất hiện của loại hình chung cư mini không mới, sản phẩm này còn đang giúp giải bài toán nhà ở cho rất nhiều người dân. Những quy định khắt khe trong xây dựng của loại hình này cũng đã có đủ, nhưng những người có nhiệm vụ thực thi những quy định đó lại rất vô trách nhiệm trong công việc. Đến khi sự cố xảy ra, 56 nạn nhân xấu số thiệt mạng thì “cháy nhà mới ra mặt chuột”” , GS Đặng Hùng Võ nói.
Cần xem xét trách nhiệm của cả chủ đầu tư lẫn cơ quan nhà nước
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh – Phó Giám đốc Công ty Luật Bizlink cho biết khái niệm “chung cư mini” lần đầu được đề cập tại Quyết định số 24 do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 20/6/2014 và Quyết định số 37 cũng do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 18/12/2015. Tuy nhiên, hai văn bản này đã hết hiệu lực.
Dựa trên khái niệm về nhà ở riêng lẻ và nhà chung cư trong Luật nhà ở 2014, ông Mạnh nêu nhận định “chung cư mini” tại Khương Hạ thực chất là nhà ở riêng lẻ và căn cứ tiêu chuẩn thiết kế đối với nhà ở liên kế thì trong mọi trường hợp, nhà ở không được xây dựng quá 6 tầng.
“Ngoài ra, trong các ngõ nhỏ có chiều rộng nhỏ hơn 6m thì nhà không được xây cao quá 4 tầng. Dựa trên các thông tin mô tả về nơi xảy ra vụ cháy tại Khương Hạ “nhà xây 9 tầng với hơn 45 căn hộ”, có thể thấy chủ đầu tư đã vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng.”, ông Mạnh khẳng định.
Vị Luật sư cho biết, quy định hiện hành của pháp luật đối với loại hình nhà ở này cũng đã tương đối đầy đủ nhưng vấn đề đặt ra nằm ở khâu công tác cấp giấy phép xây dựng, thi công và kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng công trình của các cơ quan có thẩm quyền.
Việc mua bán các căn hộ trong nhà ở riêng lẻ cũng đã được quy định rõ trong pháp luật, nếu nhà ở có từ hai tầng trở lên và mỗi tầng có từ hai căn hộ khép kín trở lên; diện tích sàn tối thiểu của mỗi căn hộ là 30 m2 trở lên và đáp ứng các điều kiện về nhà chung cư thì chủ nhà sẽ được nhà nước cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở.
Và khi chủ sở hữu nhà ở bán căn hộ thì quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở này thuộc sử dụng chung của những người mua căn hộ, do đó việc mua bán các căn hộ trong nhà ở riêng lẻ là có căn cứ và được pháp luật cho phép thực hiện.
Tuy nhiên để xảy ra sự cố khiến 56 người thiệt mạng, tối 13/9, Công an Tp. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Luật sư Nguyễn Đức Mạnh cho biết, chủ đầu tư của căn nhà trên phố Khương Đình sẽ phát sinh một số trách nhiệm gồm trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự.
Thứ nhất, đối với hành vi vi phạm xây dựng sai so với giấy phép, chủ đầu tư có thể bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ. Ngoài ra, chủ đầu tư còn buộc phải phá dỡ phần công trình vi phạm so với GPXD đã được cấp.
Thứ hai, chủ đầu tư có thể bị phạt tù từ 7 đến 12 năm do việc vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hậu quả quả làm chết 3 người trở lên. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Bên cạnh đó, Luật sư nhấn mạnh trong trường hợp này cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND quận Thanh Xuân, phường Khương Đình) trong việc cấp giấy phép xây dựng, phối hợp kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép nhằm đảm bảo, tuân thủ các quy định pháp luật về xây dựng.
Đối với trách nhiệm dân sự, để xác định trách nhiệm dân sự thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xác định nguyên nhân dẫn đến việc cháy nổ để từ đó xác định lỗi, trách nhiệm của các bên liên quan. Nếu nguyên nhân xảy ra do xây sai Giấy phép xây dựng, do không có hệ thống PCCC hoặc hệ thống PCCC của chung cư không đạt tiêu chuẩn theo quy định thì trách nhiệm chính sẽ thuộc về chủ đầu tư chung cư.
Nói về vấn đề trên, ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết chung cư mini xảy ra hoả hoạn đã không tuân thủ ngay từ thiết kế xây dựng tòa nhà ban đầu.
Qua kiểm tra, chung cư mini trên có nhiều yếu tố chưa bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy. Khi xảy ra hỏa hoạn nhiều người dân phải liều mình nhảy sang mái tôn nhà hàng xóm để thoát thân. Ngoài ra, ngôi nhà này còn có hàng loạt sai phạm như xây dựng trái phép thêm 4 tầng, cầu thang thoát nạn không đủ điều kiện đảm bảo, địa phương có hành vi buông lỏng quản lý trong cấp phép xây dựng,…
Theo ông Vũ Ngọc Anh, giấy phép xây dựng cấp cho ông Nghiêm Quang Minh (chủ nhà bị cháy) ghi rõ “được phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ” cao 6 tầng, trong đó không mô tả cụ thể nhà này có nhiều căn hộ hay không. Thế nhưng trên thực tế, ngôi nhà bị cháy là nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh (cho thuê, hoặc bán), gồm 10 tầng với 45 căn hộ, người dân quen gọi với tên “chung cư mini”..