Tham dự một buổi tập huấn về sử dụng và phương pháp giảng dạy sáo recorder trong nhà trường dành cho giáo viên tiểu học do Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội tổ chức tại trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Long Biên, Hà Nội), tôi nhận thấy những tín hiệu tích cực trong giáo dục âm nhạc tại các trường tiểu học.
Nghệ sĩ sáo Minh Hoa trong lớp dạy các học viên là giáo viên tiểu học. (Ảnh: NVCC) |
Qua điện thoại, giảng viên, nghệ sĩ sáo tài năng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Bùi Minh Hoa với chất giọng từ tốn, trầm ấm nói: “Hiện giờ Hoa đang khá bận bịu với chương trình tập huấn cho các giáo viên âm nhạc bên quận Long Biên trước thềm năm học mới. Nếu có thời gian, mời nhà báo sang tham dự một buổi cùng mọi người cho vui”. Vốn có chút năng khiếu và yêu thích âm nhạc, tôi nhận lời và thu xếp đi ngay.
Gieo hạt giống âm nhạc
Nằm trong chương trình Tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên âm nhạc sử dụng sáo recorder và kèn phím trong dạy học âm nhạc cấp tiểu học của Sở Giáo dục & đào tạo Hà Nội, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn được chọn là địa điểm tập huấn của gần 200 giảng viên/giáo viên âm nhạc của Thành phố. Có bước chân vào khuôn viên ngôi trường rộng rãi, lớp học khang trang, trang thiết bị hiện đại này mới thấy đây không chỉ là địa điểm lý tưởng cho kế hoạch tập huấn mà thực sự là nơi rèn luyện tuyệt vời cho học sinh.
Tôi nhận ra Minh Hoa ngay khi chúng tôi gặp nhau tại sảnh cầu thang bởi vóc dáng nhỏ nhắn, nét mặt nhẹ nhàng với chiếc sáo recorder chị đeo ngay trước ngực. Giới thiệu về nhiệm vụ mà chị đang triển khai tại đây, giảng viên – nghệ sĩ Bùi Minh Hoa cho biết: “Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu năm học 2023-2024, học sinh cấp tiểu học được tiếp cận nội dung nhạc cụ giai điệu. Đây chính là điểm mới rất ưu việt vì khi được tiếp xúc với nhạc cụ thì năng lực/năng khiếu âm nhạc của các em được bồi đắp và phát triển, tạo hứng thú trong tìm hiểu và chơi nhạc”.
Chị cho biết, việc đưa nhạc cụ giai điệu vào giảng dạy tại các trường Tiểu học đặt ra thử thách đối với các giáo viên âm nhạc. Tuy nhiên, các giáo viên âm nhạc hoàn toàn chủ động lựa chọn sáo recorder hay kèn phím cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất cũng như năng lực của giáo viên và học sinh.
Bắt đầu buổi tập huấn, giảng viên Minh Hoa đưa nắm tay lên cao, các thầy cô giáo học viên lập tức trật tự. Cứ thế, cô hướng dẫn học viên thực hành bấm các nốt trên sáo, thổi các bài luyện tập và đan xen giữa các nội dung là những trò chơi nhỏ giúp học viên không áp lực mà vẫn đạt kết quả tốt trong việc thực hành chơi sáo recorder.
Cô đưa tay ra dấu: “Khi tôi đưa tay chỉ vào tôi thì các bạn nghe nhé, khi nào tôi ra dấu mời vào là đến lượt các bạn cùng thổi nhé. 1,2,3 tôi… 1,2,3 vào…”. Bỗng, “toe…”, một tiếng sáo lạc nhịp; Minh Hoa cười hiền: “Tôi ra dấu mời thì các bạn mới thổi nhé, mình phải kiêu một chút, chưa mời là mình không thổi đâu”. Khi các học viên thổi tốt, âm thanh hay, cô cũng không quên khen ngợi, động viên… Buổi học kéo dài vài tiếng. Dáng vóc nhỏ bé của cô đi tới đi lui để hướng dẫn và sửa lỗi cho học viên. Tiếng sáo lúc vui tươi lảnh lót, lúc yên ả, nhẹ nhàng.
Nghệ sĩ sáo Bùi Minh Hoa. (Ảnh: NVCC) |
Truyền lửa đam mê
Sau buổi học dài với cường độ làm việc liên tục, tôi vẫn chưa hiểu sức lực tiềm ẩn của nghệ sĩ sáo nhỏ nhắn này đến từ đâu mà nụ cười luôn thường trực trên môi. Minh Hoa chia sẻ: “Tôi có hai niềm đam mê, đó là dạy nhạc và con trẻ. Khi có cơ hội được tham gia dự án tập huấn cho các giáo viên Tiểu học, tôi thực sự rất hào hứng, như cá được trở về với nước vậy”.
Bản thân là nghệ sĩ nhưng Minh Hoa lại rất có duyên với ngạch sư phạm âm nhạc. Ngoài kinh nghiệm nhiều năm biểu diễn trong dàn nhạc giao hưởng, Minh Hoa còn là tác giả sách giáo khoa âm nhạc bậc trung học cơ sở và giảng dạy nhạc cụ. Chị chia sẻ, bản thân thấy thực sự may mắn và hạnh phúc khi được đứng trên bục giảng.
Có lẽ nhờ niềm đam mê ấy mà việc điều khiển một lớp học với gần 200 học viên trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. “Mình có lửa thì mới truyền được cho người khác. Khi mình yêu công việc, chuẩn bị tốt về chuyên môn, với tinh thần luôn chia sẻ, luôn lắng nghe và tôn trọng, luôn đặt các học viên làm trung tâm thì mọi vấn đề khó khăn đều có thể xử lý được. Khi cả cô và trò đều thấy học vui – vui học thì tiết học sẽ đạt hiệu quả tối đa”.
Chia sẻ với tôi, cô giáo Bùi Thị Bích Ngọc (giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm) cho biết: “Tiếp xúc với cô giáo Minh Hoa rất dễ chịu. Chị không những là một nghệ sĩ biểu diễn mà còn có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy cho học sinh. Chúng tôi học tập được từ chị cả về phong thái, năng lượng tích cực và cả những phương pháp truyền tải kiến thức, cách tiếp cận học sinh để đạt được hiệu quả tối đa trong giảng dạy nhạc cụ giai điệu”.
Con đường hoa hồng trải nhiều gai
Ít ai tin rằng, một cô giáo dạy sáo nhỏ nhắn, nhẹ nhàng nhường kia lại từng có con đường đến với âm nhạc không hề bằng phẳng. Minh Hoa tâm sự, “những ký ức tuổi thơ tôi khi bước chân vào “con đường âm nhạc” thật sự không bao giờ phai nhạt. Đó chính là lý do mạnh mẽ khiến tôi mong muốn trở thành cô giáo dạy nhạc”.
Người ta thường nói, con người hay có xu hướng cư xử với người khác giống như những gì được nhận. Thế nhưng, với Minh Hoa thì ngược lại, chị không muốn những mầm non âm nhạc – chính là những học sinh Tiểu học ngày nay tiếp cận với âm nhạc theo cách “dữ dội” như chị từng trải qua. Đó là những tháng năm đầu đời tiếp xúc với cây đàn violin, khi dậm chân không đúng nhịp sẽ “được” thầy dẫm chân lên bốn ngón nhỏ, chỉ để ngón cái dậm theo điệu nhạc. Hay những ngày luyện đàn ở nhà bị anh trai cốc bươu đầu vì chơi sai. Rồi những buổi tối, khi bạn bè náo nức đi chơi hay kéo nhau sang hàng xóm xem chương trình Những bông hoa nhỏ, thì Minh Hoa “còng lưng” ôm đàn kéo dây buông – thứ âm thanh mà với chị khi đó là vô cùng tẻ nhạt…
Thế rồi, một ngày đẹp trời, bố tôi quyết định cho con gái chuyển sang học sáo. Sau hơn một năm “kéo cưa lừa xẻ”, tôi chuyển sang ôm cái sáo bé tí bằng kim loại – gọi là piccolo (sáo cỡ nhỏ nhất). Thầy dạy sáo đầu tiên và cũng là người hướng dẫn chương trình tốt nghiệp đại học chuyên ngành sáo cho tôi là thầy Lê Bích. Trong suốt 14 năm học tại Nhạc viện, tôi đã được các thầy cô như Nguyễn Hồng Nhung, Nguyễn Trung Thành và Vũ Huy Đạt… rèn giũa.
Luôn nhớ về con đường âm nhạc khi mới chập chững của mình, Minh Hoa nung nấu ước mơ trở thành một giáo viên âm nhạc để luôn trân trọng, yêu thương và tìm ra giải pháp tốt nhất cho các học sinh, học viên yêu quý của mình.
Sau những chia sẻ xúc động, nghệ sĩ Minh Hoa lại nhẹ nhàng nâng cây sáo lên thổi một khúc du dương: “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung/ Đời đang vui đồng quê yêu dấu/ Bóng cau với con thuyền, một dòng sông…”. Giai điệu bài hát cứ vô thức theo tôi suốt con đường Đê Vàng trở về Hà Nội. Phía xa ngoài cửa xe, dòng sông Hồng vẫn êm ả trôi trong ráng chiều buông tím lịm…