Theo Báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lộc hiện trên địa bàn huyện có 32 mỏ khai thác tài nguyên các loại. Trong đó, mỏ đá đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác là 17 mỏ với tổng diện tích là 81,52 ha, với trữ lượng được duyệt là 11.741.979 m3. Các mỏ hoạt động khai thác tạo thêm việc làm trên 1.600 lao động địa phương, đảm bảo nhu cầu vật liệu đá xây dựng trên địa bàn và góp phần vào phát triển kinh tế của huyện. Mỏ cát được tỉnh cấp phép khai thác 05 mỏ, với tổng diện tích 20,43 ha, trữ lượng được duyệt 859.168 m3. Mỏ đất san lấp được cấp phép khai thác trên địa bàn huyện 6 mỏ với tổng diện tích đất là 25,3 ha, trữ lượng khai thác là 726.333 m3. Mỏ đất sét làm gạch Tuynel có 04 mỏ với tổng diện tích đất là 19,05 ha, trữ lượng khai thác là 1.038.652 m3.
Cùng với sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã tham mưu cho UBND huyện ra nhiều công văn nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như: Phương án số 208/PA-UBND ngày 02/02/2023 về việc Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; Công văn số 764/UBND-TNMT ngày 24/3/2023 về việc Tăng cường công tác quản lý, giám sát và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ; Công văn số 824/UBND-TNMT ngày 31/3/2023 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn huyện; Công văn số 867/UBND-TNMT ngày 05/4/2023 về việc Khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong quá trình hoạt động của các Bãi tập kết cát, sỏi, khu kinh doanh VLXD trên địa bàn huyện theo Báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá của Sở Xây dựng; Công văn số 992/UBND-TNMT ngày 15/4/2023 Về việc Thực hiện các thủ tục liên quan đối với mỏ khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác trên địa bàn huyện; Công văn số 1386/UBND-TNMT ngày 18/5/2023 Về việc khẩn trương thực hiện lắp đặt trạm cân, camera tại vị trí đưa khoáng sản ra khỏi khu vực khai thác…
Cùng với việc chỉ đạo sát sao, huyện Vĩnh Lộc cũng đã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh trong kiểm tra các đơn vị đang hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Điển hình, năm 2022, đã bắt giữ, xử lý 05 trường hợp khai thác, tập kết cát trái phép, xử phạt với số tiền: 158 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã ra quân bắt giữ hàng chục vụ vi phạm về khai thác đá, cát, đất như: Xử phạt hành vi khai thác vượt ra ngoài phạm vi mỏ được cấp phép đối với Doanh nghiệp TN Hải Sâm tại xã Minh Tân và xã Vĩnh An với số tiền là 100 triệu đồng; Xử phạt hành vi khai thác vượt ra ngoài phạm vi mỏ được cấp phép đối với Công ty Cổ phần Vận tải Thủy bộ và TM Hương Xuân tại xã Minh Tân với số tiền là 170 triệu đồng; Xử phạt hành vi khai thác vượt ra ngoài phạm vi mỏ được cấp phép đối với Công ty TNHH Việt Thanh Stone tại xã Vĩnh Phúc với số tiền là 120 triệu đồng. Trong tháng 8 vừa qua huyện đã bắt giữ 3 tàu bơm hút cát trái phép tại khu vực giáp ranh với huyện Yên Định xử phạt hàng trăm triệu đồng.
Ông Mai Xuân Tùng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lộc cho biết: Do đặc thù các khu vực mỏ có vị trí, địa hình phức tạp, đối tượng vi phạm thường hoạt động vào thời gian đêm tối. buổi trưa, ngày nghỉ, ở khu vực gần các mỏ được cấp phép hoặc ở khu vực giáp ranh giữa các xã, huyện nên việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Chính quyền cơ sở thiếu trang thiết bị chuyên dụng và công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác kiểm tra xác định tọa độ mốc mỏ khai thác, độ sâu khai thác, đo độ bụi trong không khí, đo tiếng ồn, … nên khó khăn cho công tác quản lý, phát hiện và xử lý các vi phạm.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên theo ông Trịnh Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, đê điều và bảo vệ môi trường. Kịp thời kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép khi có phản ánh của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn, yêu cầu niêm yết công khai thời gian khai thác, mốc giới mỏ, đăng ký số lượng phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản để để nhân dân tham gia giám sát và thuận lợi cho công tác quản lý. Nâng cao trách nhiệm của lực lượng Công an xã, Công chức Địa chính – Xây dựng trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, bổ sung lực lượng phối hợp điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định…
Đồng thời, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh cấp thêm phương tiện xuồng máy và thiết bị hỗ trợ phục vụ cho công tác điều tra trấn áp các tàu thuyền khai thác cát trái phép. Công an tỉnh tăng cường tuần tra, hỗ trợ lực lượng, phương tiện để xử lý dứt điểm hoạt động khai thác cát trai phép. Mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác quản lý khoáng sản cho Công chức phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản cấp huyện và xã. Từng bước đẩy lùi vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép, để đưa khoáng sản vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vừng, có trách nhiệm