Trong những hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng có hình ảnh của ông thời thơ ấu với người cha của mình là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Cách đây gần 3 tháng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh từng chia sẻ trên truyền hình, cha ông – Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – mất năm 1967, khi đó ông chỉ mới 8 tuổi. Cho nên những ký ức về cha mình không nhiều nhưng rất sâu đậm, đó là ký ức của tuổi thơ.
Trong ký ức của tướng Vịnh, cha ông rất hiền và không bao giờ nóng nảy hoặc thô bạo với những người trong gia đình hay mọi người cùng làm việc. Tuy nhiên, ông cũng rất nghiêm khắc, không bỏ qua bất kỳ điều gì với các con mà ông thấy là sai trái, nhất là trong cách ứng xử với người lớn và nói dối.
Tướng Vịnh cũng chia sẻ, ông rất nhớ nụ cười của cha ông. “Tôi không biết với mọi người như thế nào nhưng với tôi, tôi chưa thấy ai có nụ cười, cười hết cỡ như vậy” – tướng Vịnh chia sẻ và hiểu ra rằng, cuộc sống có nhiều lúc khó khăn nếu không có nụ cười, không có niềm lạc quan thì không thể có cuộc sống tốt đẹp được.
Những kỷ niệm với người cha trong những năm tháng tuổi thơ cũng luôn được tướng Vịnh khắc ghi. Nhớ về một lần được đi Hưng Yên cùng người cha của mình, ông Vịnh kể, khi đang đi trên đường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói với chú lái xe yêu cầu dừng lại.
“Khi nhìn ra cửa thì thấy những người phụ nữ đang cấy lúa thì ông mới bảo ‘ở quê tôi cấy lúa cần gì phải chăng dây, cấy vẫn thẳng, vẫn tốt đó thôi’. Lúc đó, mấy bà, mấy cô bảo ‘ông giỏi xuống mà cấy’. Thế là ba tôi xắn quần xuống cấy thật. Xuống cấy một lúc thì hoá ra ông ấy thua thật, vừa chậm, vừa không thẳng hàng. Khi đó, ba tôi đứng dậy, vươn vai và bảo ‘đúng là có khoa học kỹ thuật thì vẫn hơn, tôi chịu thua’. Thế là mấy bà, mấy chị vỗ tay reo lên” – tướng Vịnh kể lại.
Tướng Vịnh kể đây là một câu chuyện rất đáng nhớ đối với ông và ông luôn nhớ mãi lời dạy người cha của mình. Đó là “không có ai ngoài dân, chúng ta đều là dân, mỗi người một việc khác nhau”. Đây là một câu chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn về khái niệm gần dân của ba ông.
Cũng chính từ những bài học nhỏ đó đã theo ông Nguyễn Chí Vịnh suốt cuộc đời binh nghiệp. Cuộc đời hơn 40 năm quân ngũ của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh để lại nhiều di sản quan trọng trong lĩnh vực tình báo Quốc phòng, đối ngoại Quốc phòng và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, hiện đại.
PGS.TS Bùi Chí Trung – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), cố vấn Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – chia sẻ, suốt quá trình công tác, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thường được hình dung là con người của hành động với tính cách quyết liệt, chắc chắn, “nói được, làm được”, không né tránh những vấn đề được coi là nhạy cảm. Nhưng khí chất đó chỉ là phía ngoài của một bộ óc chiến lược với chiều sâu trí tuệ và sự kiên định hiếm có.
Cũng theo PGS.TS Bùi Chí Trung, một trong những sáng kiến cá nhân của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sẽ mãi mãi tồn tại như một sự tri ân đối với di sản của cha ông là việc xây dựng Bảo tàng Tướng Nguyễn Chí Thanh. Bảo tàng này không chỉ tôn vinh một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử cách mạng Việt Nam mà còn là một địa chỉ đỏ, truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm vào chiều 22.6.2023 vừa qua.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – sinh ngày 15.5.1959 tại Hà Nội. (Tuy nhiên, trong giấy tờ lý lịch chính thức ghi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh năm 1957 bởi ông từng khai thêm 2 tuổi để đủ tuổi được nhập ngũ khi xin đi bộ đội).
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trút hơi thở cuối cùng hôm 14.9 vừa qua tại nhà riêng.