Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đang xem xét các đề cử từ cả năm 2022 và 2023, sau đó sẽ tổ chức phiên họp tại Riyadh, Ả Rập Xê Út để công nhận nơi nào là di sản thế giới trong số 50 ứng cử viên.
Cuộc họp năm nay diễn ra 45 năm sau khi UNESCO công nhận những di sản thế giới đầu tiên. Để trở thành di sản thế giới, các địa điểm phải có “giá trị nổi bật toàn cầu”.
Để đủ điều kiện, địa điểm phải đáp ứng ít nhất một trong hàng loạt tiêu chí cụ thể, được “sửa đổi thường xuyên để phản ánh sự phát triển của chính khái niệm di sản thế giới”, theo CNN.
Quá trình đề cử có thể kéo dài qua nhiều năm và nếu bị bỏ qua trong một năm, di sản đó có thể được xem xét lại khi hội nghị UNESCO tiếp theo diễn ra.
Sau khi một địa danh được UNESCO công nhận là di sản thế giới, quốc gia có di sản có thể nhận được hỗ trợ tài chính cũng như lời khuyên chuyên môn từ UNESCO để giúp bảo tồn.
Cho đến nay, Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận khoảng 1.157 địa điểm ở 167 quốc gia khác nhau vào danh sách di sản thế giới.
Năm nay, hồ sơ ứng viên được đưa lên UNESCO của Việt Nam “rất đặc biệt” bởi là sự gộp chung của 2 di sản khác nhau. Vào tháng 7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4877/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về khuyến nghị của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đối với hồ sơ “vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà” đề nghị UNESCO ghi danh di sản thế giới.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hải Phòng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu các khuyến nghị của IUCN để rà soát, cập nhật hồ sơ đề cử di sản và có báo cáo giải trình phù hợp, gửi Bộ VH-TT-DL để tổng hợp.
Quần đảo Cát Bà tại TP.Hải Phòng có 367 hòn đảo, được xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt năm 2013. Trong khi đó, năm 2000 vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Đây là hai khu vực tiếp giáp nhau và có cảnh quan thiên nhiên khá tương đồng.
Năm 2013, UBND TP.Hải Phòng lập hồ sơ đề cử riêng quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học. Tuy nhiên, UNESCO lại khuyến nghị nối dài quần đảo Cát Bà với vịnh Hạ Long thành một quần thể di sản.
Việt Nam hiện có các di sản của UNESCO như sau: Quần thể di tích cố đô Huế, vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Thành nhà Hồ, danh thắng Tràng An – Ninh Bình.