Nhiều trường dừng tăng học phí hoặc tạm thu bằng năm ngoái, trong khi đợi Chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng về học phí đại học năm nay.
Khoảng 8.000 tân sinh viên thuộc 5 trường của Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu năm học mới từ tuần này. Khi làm thủ tục nhập học, sinh viên tạm đóng 6 triệu đồng, trong đó 4,4 triệu là học phí.
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết theo đề án tuyển sinh năm nay, trường dự kiến thu học phí chương trình chuẩn dao động 23-29 triệu đồng một năm, tăng khoảng 8% so với năm ngoái. Học phí chương trình chất lượng cao, quốc tế và liên kết quốc tế dao động 25-90 triệu đồng, tương tự năm 2022.
Tuy nhiên, sau khi Chính phủ thông báo sẽ sửa đổi Nghị định 81 về học phí công lập hồi cuối tháng 7, Bách khoa Hà Nội quyết định giữ nguyên mức thu học phí kỳ I như hai năm qua – khoảng 10 triệu đồng.
“Từ kỳ II, nếu Chính phủ quy định không tăng học phí, nhà trường vẫn thu như kỳ đầu. Nếu được phép tăng, trường chỉ tăng tối đa 8%”, ông Điền nói.
Trước đó, Đại học Giao thông Vận tải TP HCM cũng thông báo dừng tăng học phí. Trường sẽ thu khoảng 10,6 triệu đồng một năm với chương trình chuẩn, thấp hơn 5,9 triệu đồng so với dự kiến. Mức thu mới tương tự năm học 2020-2021, đồng nghĩa bốn năm trường không tăng học phí.
Trong khi đó, nhiều trường đưa ra mức tạm thu học phí kỳ I bằng năm ngoái. Cụ thể, trường Đại học Ngoại thương thu dao động từ 10 đến 35 triệu đồng, còn Học viện Ngoại giao thu 9,5-20,75 triệu đồng cho học kỳ I. Các mức này thấp hơn dự kiến của hai trường khoảng 1-2,5 triệu đồng một học kỳ.
Tương tự, học phí tạm thu kỳ I của Đại học Bách khoa TP HCM là 13,75-36 triệu đồng, tùy chương trình đào tạo. Mức này như năm ngoái, thấp hơn khoảng 10% so với dự kiến.
Theo đề án tuyển sinh năm nay, hầu hết trường đại học công lập dự kiến tăng học phí. Các trường cho biết đang tạm thu mức thấp hơn trong lúc đợi Chính phủ có quy định chính thức về mức trần học phí năm học này. Học viện Ngoại giao cho hay có thể cân nhắc điều chỉnh khi có quy định mới.
Việc các trường dừng tăng học phí hoặc tạm thu thấp hơn dự kiến giúp sinh viên giảm bớt gánh nặng dịp nhập học.
“Tân sinh viên phải chi nhiều khoản dịp đầu năm học như đặt cọc và thuê nhà trọ, chi phí đi lại, mua đồ dùng mới. Vì vậy, trường tạm thu càng thấp càng đỡ gánh nặng ở thời điểm này”, Hoàng Thanh, tân sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, nói.
Ngoài ra, việc này còn có thể giúp các trường tránh rắc rối về thủ tục nếu Chính phủ không cho phép tăng học phí. Năm ngoái, nhiều trường đã thu mức mới từ đầu năm học nhưng đến tháng 12, Chính phủ yêu cầu không tăng học phí nên phải làm thủ tục trả lại hoặc cấn trừ tiền học phí chênh lệch cho sinh viên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi cuối tháng 8 đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81. Theo đề xuất của Bộ, học phí mầm non, phổ thông, đại học năm học này áp dụng mức trần của năm học 2022-2023, tức lùi một năm so với lộ trình tăng học phí mà Nghị định 81 đề ra.
Cụ thể, trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng một tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng. Mức thu hiện nay là 980.000 đến 1,43 triệu đồng.
Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất…), tùy mức độ, được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức 2,4-6,15 triệu đồng một tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các đại học được tự xác định học phí.