Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8).
Kết luận nêu rõ: dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 được Bộ Công thương trình Thủ tướng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu chi tiết để triển khai khả thi, hiệu quả và trình tự, thủ tục còn chưa đầy đủ theo quy định.
Từ đó, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các bộ, cơ quan tại cuộc họp để hoàn thiện kế hoạch. Trong đó lưu ý bám sát các mục tiêu của Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt, đặc biệt là phát triển nguồn, lưới điện, các giải pháp, nguồn lực thực hiện.
“Bộ Công thương cùng các địa phương rà soát, thống kê các dự án nguồn điện tái tạo đã được quyết định chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư và đang triển khai; cũng như rà soát tiến độ thực hiện các dự án đủ điều kiện để đưa vào kế hoạch”, thông báo kết luận của Phó thủ tướng nêu.
Đồng thời, rà soát quy định pháp luật về quy hoạch, điện lực, đất đai, điều hành cung ứng điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc này nhằm xác định sự cần thiết trong tính toán cân đối cung – cầu hệ thống điện (quốc gia, miền) và xác định danh mục các dự án nguồn điện đưa vào vận hành hằng năm đến 2030.
Với các dự án điện than chậm tiến độ, Chính phủ lưu ý dự thảo kế hoạch cần làm rõ tính khả thi, tiến độ; bổ sung việc thí điểm giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam, doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện triển khai dự án điện gió ngoài khơi…
Đối với việc giữ nguyên đề xuất phát triển nguồn năng lượng tái tạo theo hướng phân bổ công suất đến vùng hoặc tỉnh, Phó thủ tướng đề nghị cần bổ sung báo cáo rõ về việc tổ chức thực hiện, đảm bảo tính khả thi.
Bộ Công thương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng về đảm bảo cung ứng điện, an ninh năng lượng và nội dung đề xuất đúng quy định pháp luật. Dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 cần trình lại Chính phủ trong tháng 9 này.
Trước đó, tại tờ trình về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 9, Bộ Công thương cho hay, giai đoạn đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 11,3-13,5 tỉ USD để đầu tư dự án nguồn và lưới điện. Riêng vốn đến 2025 là trên 57 tỉ USD, trong đó nguồn điện chiếm hơn 84%, và lưới truyền tải 16%. Đến 2030, các dự án nguồn điện cần gần 72 tỉ USD để đầu tư, xây dựng, trong khi truyền tải xấp xỉ 6 tỉ USD. Vốn đầu tư các dự án nguồn và lưới điện là từ nguồn đầu tư công và vốn khác.