Trước đây, như nhiều nông dân khác, chị Bùi Thị Tuyết (dân tộc Mường, ở thôn 4, xã Đắk P’lao, huyện Đắk Glong) chỉ tập trung trồng cà phê. Dù cố gắng làm ăn, nhưng kinh tế gia đình vẫn rất khó khăn, thậm chí nhiều năm thuộc diện hộ nghèo của xã.
Sau khi tìm hiểu qua sách, báo, năm 2018, chị Tuyết đầu tư nuôi thỏ New Zeland. Từ vài con thỏ giống nuôi thử nghiệm, không lâu sau, đàn thỏ phát triển trên 80 con.
Chị Tuyết chia sẻ, nuôi thỏ cần ít vốn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loài vật nuôi khác. Thỏ có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, trung bình mỗi năm, thỏ mẹ sinh sản khoảng 8 lứa, mỗi lứa 6-10 con.
Thỏ con sau sinh, nuôi khoảng 3 tháng đạt trọng lượng bình quân 2,5kg/con và có thể xuất bán. Với giá bán khoảng 80.000-100.000/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng chị Tuyết có thu nhập gần chục triệu đồng.
Chị Tuyết cho hay: “Ngày trước, gia đình tôi nuôi gà. Mỗi lần gà mắc dịch, thiệt hại rất lớn. Chuyển sang nuôi thỏ, tôi thấy thuận lợi hơn nhiều. Chúng tôi vẫn đi làm rẫy, mỗi ngày chỉ tranh thủ một vài giờ đi lấy thức ăn cho thỏ. Cũng nhờ nuôi thỏ kết hợp với sản xuất nông nghiệp, gần 2 năm trước, gia đình tôi thoát hộ nghèo”.
Việc chăn nuôi thỏ được thực hiện theo mô hình khép kín, khoa học. Trong quá trình chăn nuôi, thỏ sinh sản được đánh số ký hiệu riêng nhằm tránh nhầm lẫn khi thỏ nuôi con.
“Một đặc tính rất riêng là thỏ mẹ có thể mang thai ngay trong thời gian nuôi con. Cứ khoảng 1,5 tháng là thỏ mẹ lại mang thai và sinh sản. Chính vì thế, mỗi năm, một con thỏ mẹ có thể sinh khoảng gần 80 con thỏ con giống”, chị Tuyết nói thêm.
Nhân rộng mô hình thoát nghèo
Từ thành công của chị Tuyết, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đắk Glong đã học hỏi, áp dụng kinh nghiệm nuôi thỏ.
Nhiều hộ dân đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi thỏ bài bản, sạch sẽ, thoáng mát. Chỉ từ một vài con giống, nhiều gia đình đã phát triển đàn thỏ lên tới hơn 100 con.
Dù mới bắt đầu nuôi thỏ, nhưng 6 con thỏ mẹ của anh Phan Trung Kiên (dân tộc Tày, xã Đắk P’lao) đã thích nghi tốt và bắt đầu sinh sản. Ngoài việc được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, anh Kiên còn được hỗ trợ vốn để đầu tư, mở rộng mô hình này,
Anh Kiên chia sẻ, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã. Ngoài tham gia các buổi tập huấn, anh chủ động học hỏi, được các hộ chăn nuôi thỏ lâu năm như chị Tuyết chia sẻ kinh nghiệm nuôi loài vật này, hy vọng kinh tế gia đình khấm khá hơn.
Điểm nổi bật của các hộ nuôi thỏ ở Đắk Glong là tạo được sự gắn kết, hỗ trợ nhau về con giống, kỹ thuật và đầu ra. Việc nhân rộng mô hình của các hộ hướng đến mục tiêu đủ nguồn cung cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp giảm nghèo nhanh, bền vững, từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Đắk Glong đã tạo điều kiện cho mỗi hội viên vay trung bình 40 triệu đồng để đầu tư phát triển mô hình nuôi thỏ.
Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, đánh giá: “Mô hình nuôi thỏ đã mở ra hướng lựa chọn mới trong chăn nuôi để người dân có thêm thu nhập, góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn. Trong thời gian tới, cùng với mô hình trồng dâu, nuôi tằm và nuôi dê, huyện Đắk Glong cũng có đề án đưa nuôi thỏ trở thành mô hình sinh kế giúp người dân thoát nghèo”.