Mỗi năm khi tháng bảy về, du khách trong và ngoài nước đều hướng đến mảnh đất lửa Quảng Trị với sự chờ mong những đổi thay, hồi sinh kỳ diệu. Ngoài những di tích nổi tiếng, du lịch Quảng Trị đang hướng đến sản phẩm du lịch Festival vì Hòa bình và du lịch biển đảo Cồn Cỏ về ký ức chiến tranh, khát vọng hòa bình, một thời hoa lửa.
Mỗi dịp 27/7 đến, quân và dân cả nước lại đổ về Thành cổ Quảng Trị để dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ (Ảnh: Internet)
Quảng Trị đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiếm tỷ trọng 7-8% GRDP của tỉnh; đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng trên 10% tổng GRDP của tỉnh; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo bước đột phá trong phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Trị là “Ký ức chiến tranh – Khát vọng hòa bình”; “Cửa ngõ du lịch Hành lang kinh tế Đông – Tây” kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản”, “Con đường Huyền thoại” của khu vực.
Mục tiêu hướng đến năm 2025 hoàn thành về cơ bản đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch, nhất là tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; hình thành các tour, tuyến du lịch chủ đạo, xây dựng và khẳng định thương hiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh; thu hút 3.250 nghìn lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng đạt 6,5%/năm (trong đó có 550 nghìn lượt khách quốc tế); tốc độ tăng trưởng trung bình từ thu nhập từ khách du lịch đạt 6.553 tỷ đồng; (đạt tỷ lệ 13,3%/năm); cơ sở lưu trú từ 7.000 buồng; tạo việc làm cho xã hội được 33.600 lao động.
Hình ảnh tại buổi triển lãm (Ảnh: Internet)
Đến năm 2030: Hoàn thành về cơ bản việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho giai đoạn tiếp theo; thu hút 4.240 nghìn lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng đạt 5,5%/năm (trong đó có 740 nghìn lượt khách quốc tế); tốc độ tăng trưởng trung bình từ thu nhập từ khách du lịch 11.693 tỷ đồng; tương đương 531 triệu USD (tốc độ tăng trưởng trung bình 12,5%/năm); cơ sở lưu trú từ 9.500 buồng; tạo việc làm cho xã hội được 45.600 lao động.
Định hướng phát triển du lịch là các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các nước trên Hành lang kinh tế Đông – Tây: Lào, Thái Lan, Myanmar và thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại Dương và Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc). Trung Đông, Nam Á, Đông Âu dòng khách này có thể khai thác theo trục Hành lang Đông Tây kết nối với sông Hằng và trong khuôn khổ GMS,…
Về thị trường khách nội địa gồm thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, miền Trung; thị trường thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; mở rộng khai thác thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu về du lịch lịch sử – cách mạng, du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch biên mậu và du lịch thương mại – công vụ, du lịch sinh thái
Cụm du lịch trung tâm thuộc địa bàn thành phố Đông Hà và huyện Cam Lộ, là đầu mối điều phối các dòng khách đến Quảng Trị và là trung tâm lưu trú chính của du lịch Quảng Trị. Cụm du lịch phía Bắc thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, là cụm du lịch đặc biệt quan trọng, tập trung hầu hết các tài nguyên du lịch quan trọng nhất của Quảng Trị và nằm ngay trên cửa ngõ của tỉnh trên Quốc lộ 1A. Cụm du lịch phía Tây thuộc địa bàn huyện Đakrông và Hướng Hóa. Đây là cụm du lịch gắn với các tài nguyên du lịch lịch sử – cách mạng với các di tích chiến trường xưa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa dân tộc và tiềm năng phát triển du lịch biên mậu.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Cụm du lịch phía Nam thuộc địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Yếu tố trung tâm là Thành Cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Tuyến du lịch đường sắt và đường biển: Quảng Trị nằm trên trục đường sắt Thống nhất Bắc – Nam. Trong tương lai tuyến đường sắt này sẽ kết nối với Trung Quốc, Nga, châu Âu cũng như Campuchia, Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á (Đông Hà – Lao Bảo – Savannakhet – Mukdahan).
Với hệ thống các cảng biển Quảng Trị cũng có thể phát triển các tuyến du lịch đường biển xuất phát từ Cửa Việt, Cồn Cỏ và Mỹ Thủy. Tuyến du lịch chuyên đề gồm có tuyến Tuyến hành lang ven biển; tuyến du lịch sinh thái; tuyên du lịch hoài niệm chiến trường xưa; tuyến đường Trường Sơn; tuyến du lịch đường sông. Cụ thể phát triển khu vực thành phố Đông Hà: Phát triển dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, đầu mối trung chuyển khách du lịch. Khu vực Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ – Vịnh Mốc – Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch lịch sử – cách mạng và du lịch sinh thái.
Trong khu vực trọng điểm này, xác định tam giác Cửa Việt – Cửa Tùng – Cồn Cỏ có thể trở thành khu du lịch quốc gia tiềm năng với quan điểm phát triển du lịch và kinh tế – xã hội góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng. Khu vực Khe Sanh – Lao Bảo: Phát triển du lịch lịch sử – cách mạng, du lịch biên mậu và quá cảnh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Khu vực Thành Cổ Quảng Trị – Khu kinh tế Đông Nam: Phát triển du lịch lịch sử cách mạng, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch thương mại công vụ, nghỉ dưỡng.
Quảng Trị cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện đổi mới, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch như: tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại, đối nội và an ninh, quốc phòng; có vị trí, vai trò đầu tư làm thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phấn đấu đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, khai thác chiều sâu giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương Quảng Trị nhất là những đặc thù, khác biệt của địa phương; coi trọng cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và tổ chức thực hiện đồng bộ, chuyên nghiệp. Nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, góp phần phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch, xây dựng nếp sống văn minh.
Đầu tư xây dựng quy hoạch, dự án trọng điểm phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và phát triển du lịch, làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển du lịch lịch sử – cách mạng, du lịch tâm linh, du lịch biển đảo, các công trình vui chơi giải trí, thể thao. Nghiên cứu, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch; ưu tiên mời gọi nhà đầu tư chiến lược để thực hiện vai trò dẫn dắt đối với phát triển du lịch Quảng Trị.
Tăng cường cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương trong khu vực và trên hành lang kinh tế Đông Tây trong xây dựng sản phẩm du lịch chung, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch vùng, liên kết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh liên kết và hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến du lịch trong vùng và kết nối với các tỉnh, thành phố lớn trong nước. Phối hợp các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm tại nhánh Tây đường Hồ Chí Minh; xây dựng chuỗi du lịch: Cố đô nước Việt (Huế) – Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình (Quảng Trị) – kỳ vĩ Phong Nha (Quảng Bình).
Đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh “Ký ức chiến tranh – Khát vọng hòa bình”; “Cửa ngõ du lịch Hành lang kinh tế Đông – Tây” kết nối, liên kết du lịch “Con đường Di sản”, “Con đường Huyền thoại” của khu vực; nghiên cứu phát triển “Du lịch hòa bình” tại địa điểm lịch sử thị xã Quảng Trị. Nghiên cứu, hoàn thiện các đề án tổ chức các lễ hội, chú trọng quảng bá, nâng cao chất lượng, nội dung, hình thức của lễ hội để tăng sức hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến với lễ hội.
Phát huy vai trò các cơ quan truyền thông của tỉnh, tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Quảng Trị với bạn bè quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài. Kết hợp hoạt động thông tin đối ngoại với quảng bá du lịch, chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư về du lịch trong các hoạt động đối ngoại, các sự kiện ngoại giao.
Kiện toàn và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh. Củng cố cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý các điểm, khu du lịch. Nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước về du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành thực hiện quy hoạch, thẩm định dự án đầu tư du lịch. Tăng cường áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch, từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa du lịch và các lĩnh vực có liên quan, vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch. Phát huy vai trò của Hiệp hội du lịch trong việc phối hợp hoạt động, cạnh tranh lành mạnh, liên kết cùng phát triển. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch, các trung tâm mua sắm, các cơ sở lưu trú.
Thu hút nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao và thực hiện chính sách chuyển giao công nghệ để từng bước tiếp quản công tác quản lý kinh doanh du lịch. Thực hiện phát triển nguồn nhân lực du lịch giữa các cơ sở đào tạo có uy tín ở trong nước và các cơ sở đào tạo của Lào, Thái Lan. Tăng cường mở các lớp tập huấn ngắn hạn phù hợp với tính chất phát triển du lịch tại từng khu vực cụ thể. Đặc biệt chú trọng việc nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ hướng dẫn viên và thuyết minh viên.
Nghiên cứu phương thức quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin xúc tiến đầu tư và hoạt động du lịch. Nghiên cứu phát triển du lịch gắn với việc đảm bảo môi trường xanh, thân thiện và bền vững. Nghiên cứu phát triển du lịch trong mối quan hệ với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn.
Tăng cường liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ với các địa phương khác, khuyến khích và hỗ trợ học tập và áp dụng các mô hình công nghệ quản lý tiên tiến trong phát triển du lịch./.
Vương Thanh Tú