Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó một chủ đề trọng tâm mà Việt Nam thúc đẩy tại Khóa họp 54 là quyền sức khỏe.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và đoàn Việt Nam tại phiên thảo luận chung về Báo cáo cập nhật của Cao ủy Nhân quyền về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới, ngày 13/9. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 13/9, trong khuôn khổ Khóa họp thường kỳ lần thứ 54 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ), Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã có phát biểu tại phiên thảo luận chung về Báo cáo cập nhật của Cao ủy Nhân quyền Volker Türk về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới.
Trong phát biểu, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai bày tỏ đánh giá cao vai trò tích cực và nỗ lực của Cao ủy Nhân quyền trong thúc đẩy hoạt động của HĐNQ và khẳng định Việt Nam ủng hộ hoạt động của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người cho tất cả mọi người.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nêu rõ chủ trương của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân, trong đó đề cao chính sách phát triển của Việt Nam lấy con người làm trung tâm, coi con người là chủ thể, mục tiêu và động lực của phát triển, hướng đến đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy các sáng kiến và hành động ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế để giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, hiện đang đe dọa đến việc thụ hưởng quyền con người của người dân trên khắp thế giới, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương cũng như khả năng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh cần phải giải quyết những chia rẽ, khác biệt về chính trị và thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin, bao gồm thông qua hoạt động của HĐNQ, để đảm bảo người dân trên toàn thế giới được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người.
Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tái khẳng định Việt Nam cam kết thúc đẩy đối thoại thực chất và hợp tác hiệu quả với tất cả các quốc gia thành viên và các cơ chế nhân quyền của LHQ; ủng hộ các nguyên tắc cơ bản về phổ quát, công bằng, khách quan, không chọn lựa, và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; cho rằng đối thoại và hợp tác thực chất cũng như tuân thủ các nguyên tắc nêu trên là cách thức hiệu quả nhất để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người vì phát triển bền vững.
Trước đó, Cao ủy Nhân quyền Volker Türk đã trình bày Báo cáo cập nhật về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó tái khẳng định các quyền con người của mọi người dân trên thế giới đều được hưởng như quyền có cuộc sống tử tế, bao gồm được tiếp cận với lương thực, dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, môi trường trong sạch, có lợi cho sức khỏe và bền vững, hệ thống tư pháp giúp bảo vệ quyền con người, và các quốc gia có nghĩa vụ hiện thực các quyền này; đồng thời đề cập tình hình nhân quyền ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cao ủy Nhân quyền cho rằng để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột, mất an ninh về nguồn nước và lương thực đã khiến hàng triệu người đối mặt với nạn đói, thế giới cần hành động ngay lập tức. Tuy nhiên, thay vì đoàn kết để giải quyết các thách thức, thế giới đang chứng kiến sự chia rẽ về chính trị. Do đó, Cao ủy Nhân quyền kêu gọi các quốc gia đoàn kết, cùng nhau giải quyết các thách thức mà nhân loại đang phải đối mặt.
Cao ủy Nhân quyền cũng nhấn mạnh rằng với sự gia tăng của các cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt, các nước cần chuyển sang nền kinh tế dựa trên nhân quyền, trong đó các giải pháp xanh được thúc đẩy.
Tại Khóa họp 54 HĐNQ diễn ra tại Geneva từ ngày 11/9-13/10, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia trên cương vị thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó một chủ đề trọng tâm mà Việt Nam thúc đẩy tại Khóa họp này là quyền sức khỏe.
Theo đó Việt Nam xây dựng Phát biểu chung tại phiên thảo luận về chủ đề thúc đẩy quyền con người thông qua tiêm chủng và tổ chức Tọa đàm quốc tế về thúc đẩy quyền con người thông qua tiêm chủng. Cùng với đó, Việt Nam tích cực tham gia tổ chức thảo luận chuyên đề, tham vấn các tuyên bố, nghị quyết…
Khóa họp 54 HĐNQ kéo dài 5 tuần, tiếp tục được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa họp trực tiếp tại Geneva và trực tuyến, là Khóa họp thường kỳ cuối cùng trong năm nay. Khóa họp này bao gồm 5 phiên thảo luận chuyên đề về các biện pháp cưỡng chế đơn phương (UCM) và nhân quyền, lồng ghép bình đẳng giới trong công tác của HĐNQ, quyền của người bản địa, thanh niên và quyền con người, bắt nạt trẻ em trên không gian mạng; các thảo luận về 87 báo cáo chuyên đề, cũng như các thảo luận, đối thoại với 37 thủ tục đặc biệt của HĐNQ và các cơ chế nhân quyền của LHQ. Khóa họp này còn có các phiên thảo luận, đối thoại về tình hình nhân quyền tại một số nước, bao gồm: Afghanistan, Belarus, Campuchia, Myanmar, Nga, Ukraine, Sri Lanka, Syria. Tại Khóa họp này, HĐNQ cũng dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục thông qua toàn thể Báo cáo Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của 14 nước; đồng thời dự kiến sẽ tham vấn, xem xét thông qua khoảng 30 dự thảo nghị quyết; và xem xét thông qua quyết định bổ nhiệm 12 nhân sự cho các thủ tục đặc biệt của HĐNQ. |